Mình thường hay nghe nói: “Người Việt Nam thuộc sử Tàu hơn sử Việt”. Thật chua xót khi phải thừa nhận điều đó có phần đúng, bởi Tàu có quá nhiều phim dã sử hơn Việt, phim Tàu dài tập hơn phim Việt, Tàu bịa chuyện hay và hấp dẫn hơn Việt, nhiều thứ khác đều “to, khủng” hơn Việt, và nói chung cái gì của Tàu cũng … hơn của Việt.

Vì thế, nếu hỏi, Tần Thủy Hoàng là ai? Chắc cũng không cần trả lời nhỉ? Bởi lẽ người Việt mình ai cũng biết ít nhiều về ông. Vị vua nhà Tần thứ 36 thời Chiến Quốc, người tiêu diệt 6 nước chư hầu và thống nhất Trung Nguyên, đã làm gì mà để hơn 2.200 năm sau, cả thế giới, trong đó có một đứa vô danh từ Việt Nam, sửng sốt khi biết đến những bí ẩn trong khu lăng mộ của ông, rồi lại khăn gói lên đường tìm đến?

Xem thêm: Tản mạn: Nỗi niềm người Uyghur

Tản Mạn: Bí Mật Tần Thuỷ Hoàng

Thật tình, mình đến khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng không phải vì ngưỡng mộ ông, mà chỉ tò mò. Tò mò bởi một lần lang thang trang mạng của Lonely Planet, mình bị mê hoặc bởi những hình ảnh Đội quân Đất nung nằm sâu trong lòng đất đến hơn 2.200 sau mới được khai quật. Bình thường những thứ cách đây 100 đã là cổ, 1000 năm đã là quá cổ, thế mà có những thứ đến 2.200 năm, thuộc thời trước Công nguyên ấy, quả không biết gọi là gì nữa. Thế là mình ghi ngay vùng đất ấy vào danh sách những nơi mình sẽ đến. Và thật sự khi đặt chân đến đây, từ tò mò, mình đã trở nên choáng ngợp bởi sự hoành tráng, bí ẩn và cả cảm giác rợn người trước những tượng quân binh kỵ mã hùng hậu bằng đất nung của Tần Thủy Hoàng.

Tản Mạn: Bí Mật Tần Thuỷ Hoàng

Hoành tráng

Khi xếp hàng đợi lên chuyến xe bus đến khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng, mình đã đoán chắc hẳn đó là sẽ là nơi hoành tráng. Không phải là ngày cuối tuần, nhưng hàng trăm, hàng ngàn người xếp hàng đợi lên xe bus 306 từ trung tâm Tây An để đến Quận Lintong (cách Tây An 35km) để tham quan khu di tích đã được UNESCO công nhận năm 1987.

Xem thêm: Cẩm nang du lịch Namibia từ A đến Z

Tản Mạn: Bí Mật Tần Thuỷ Hoàng

Đến nơi mới thấy, toàn bộ khu vực rộng 20.000 mét vuông với ba khu hầm mộ to kinh khủng (Pit 1, Pit 2 và Pit 3). Hơn 8.000 tượng đất nung to bằng người thật, ngựa thật được bày binh bố trận chuẩn bị xông pha. Hơn 100.000 mẫu vũ khí bằng đồng đã được khai quật, một số còn nguyên vẹn. Khu di tích “Binh Mã Dũng” – Đội quân Đất nung của Tần Thủy Hoàng này quả là có một không hai trên thế giới.

Tản Mạn: Bí Mật Tần Thuỷ Hoàng

Bí ẩn

Tại sao Tần Thủy Hoàng lại chuẩn bị cho cái chết của mình hoành tráng như vậy? Lúc còn sống ông sở hữu hàng vạn quân binh. Dù vẫn là người khát khao trường sinh bất lão, ông cũng chuẩn bị cho mình một cuộc sống bên kia thế giới với đầy đủ quyền lực, binh mã không thua kém gì lúc đương thời. Bí ẩn bởi không ai biết tại sao ông lại cho đúc đội quân đông đảo như thế? Bí ẩn bởi mỗi tượng trong số 8 ngàn tượng đó đều có hình dáng, khuôn mặt khác nhau. Bí ẩn bởi từ sau cái chết của Tần Thủy Hoàng, toàn bộ khu lăng mộ hoành tráng như thế lại bị chôn vùi hơn 2200 năm, đến năm 1974 mới được một nông dân phát hiện?

Tản Mạn: Bí Mật Tần Thuỷ Hoàng

Rợn người

Trong số 8 ngàn tượng, hơn một nửa là còn nguyên vẹn. Một số bị bể nát, nằm ngổn ngang, một số đang được phục hồi lắp ghép lại để đưa vào “ma trận” như ý định của Tần Thủy Hoàng? Đáng sợ nhất là rất nhiều tượng không đầu, toàn bộ thân hình còn nguyên vẹn, tư thế hiên ngang, chỉ mỗi thiếu mất đầu. Nếu lạc vào khu vực này một ngày âm u, vắng người, chắc không ai dám.

Cách khu hầm mộ binh mã dũng tầm 2km là Lishan Park, nơi được xem là nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng. Chắc chắn không ai biết huyệt đạo của ông nằm ở đâu. Đội quân đất nung hoành tráng của ông đã khiến thế giới kinh ngạc, sửng sốt như thế, chắc chắn ông sẽ còn nhiều bí ẩn mà người ta chưa thể khám phá.

Tản Mạn: Bí Mật Tần Thuỷ Hoàng

Lưu ý về phương tiện di chuyển

Từ Bắc Kinh đến Tây An: đoạn đường hơn 1.000km, có nhiều cách nhưng các bạn nên chọn tàu cao tốc, thời gian đi 5 tiếng, giá vé 500 tệ (khoảng 1.600.000 đồng).

Từ trung tâm Tây An đến khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng: đến nhà ga Tây An, đón chuyến bus số 306 đi thẳng đến khu di tích, giá vé 12 tệ (40.000 đồng).

Nguồn: Nguyễn Thị Mai Trang

Xem thêm: Hành trình cưỡi ngựa sắt xem “Trung Hoa”