Chuyến Đi Nepal: Namaste [Xin chào] NEPAL!
Đã dặn lòng là để dành đi Nepal vào tháng Mười, lúc đó thời tiết mới tốt, bầu trời mới quang đãng để nhìn thấy được dãy Himalaya hùng vĩ soi bóng xuống hồ Fewa. Ấy vậy mà hai chữ Nepal cứ hiện mãi trong đầu như một sức hút vô hình nào đó đã thôi thúc tôi lên đường trong tháng Bảy.
Tôi biết mình yêu Nepal, nhưng khi đặt chân đến đây, tôi lại thấy mình mâu thuẫn, không chỉ yêu, mà ghét, không chỉ vui, mà buồn, không chỉ giận, mà thương – thương lắm mảnh đất hình thang nằm bên dãy Himalaya này.
Xem thêm: Bhutan #1: Đường đến Cheri hay đường tìm vào hạnh phúc thực sự
Yêu lắm Pokhara
Tôi yêu Pokhara từ cái nhìn đầu tiên! Bước xuống xe bus tôi đã choáng ngợp trước thành phố này. Một thành phố năng động bên hồ Fewa dịu dàng. Pokhara là thành phố lớn thứ hai của Nepal. Khách sạn mọc lên như nấm sau mưa. Nepal là thiên đường của du khách phương tây, họ đến đây để leo núi. Tôi thì không đủ sức khỏe, và cũng không nhiều thời gian, nên chỉ ghé Pokhara hai ngày. Chừng đó cũng đủ để lang thang tất cả các ngóc ngách của Pokhara. Thích nhất là dạo quanh hồ Fewa (Phewa) ngay ở trung tâm thành phố. Diện tích hồ cũng khá lớn, mặt nước xanh ngắt được tô điểm bằng những chiếc thuyền đủ màu sắc lả lơi như những cánh hoa. Vào những ngày quang mây, đứng ở vùng Dam Side sẽ có thể nhìn thấy dãy tuyết sơn kiêu hãnh soi bóng xuống mặt hồ.
Ghét lắm Himalaya
Bầu trời Pokhara trong những ngày tôi đến thật xanh, lại được tô điểm bởi những đám mây trắng bồng bềnh. Nhưng tôi không cần mây! Vì mây sẽ che mất Tuyết Sơn của tôi! Cả hai buổi chiều ở Pokhara, tôi lang thang dạo quanh bờ hồ, đầu cứ ngẩng lên chờ những đám mây đáng ghét kia tan đi để mình nhìn được thấy núi tuyết. Thế mà thật đáng ghét, mây trắng tan đi mây đen lại kéo đến, cứ thế bông đùa giễu cợt thách thức sức chịu đựng của tôi. Một chị người Nepal bảo chỉ 3 ngày trước chị đã nhìn thấy cả dãy núi, thế mà hôm tôi đến, núi tuyết lại lẩn tránh. Sáng hôm sau dậy sớm từ 3:30 sáng để chuẩn bị đi đến làng Sarangkot kịp ngắm mặt trời mọc vì nghe bảo ở đó có thể nhìn thấy đỉnh Fish Tail đổi màu lung linh trong ánh bình minh. Nhưng ai bảo đi trái mùa, mặt trời cũng đâu chịu xuất hiện! Sáng hôm đó cũng rất nhiều người lên Sarangkot ngắm bình minh, nhưng họ đã không kiên nhẫn và đã ra về mà không thấy ánh dương. Tôi thì kiên nhẫn hơn, ráng đợi thêm chút xíu nữa và kìa! Dãy Annapurna hiện ra mờ ảo trong làn mây thưa, rồi mỗi lúc một rõ hơn. Dãy Annapurna hùng vĩ đã xuất hiện như để xoa dịu cơn “khát núi” của kẻ vượt đại dương bao la đến đây. Ghét! Sẽ có ngày tôi leo tận đỉnh Fish Tail!
Xem thêm: Đi Bhutan mùa nào là đẹp nhất?
Vui lắm Đền Maya Devi trong vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni)
Không chỉ là vui, mà là niềm hạnh phúc vô bờ khi được đặt chân vào đền Maya Devi để tận mắt nhìn thấy chính xác điểm đánh dấu nơi hoàng hậu Maya Devi hạ sinh thái tử Siddhartha Shakya (Tất Đạt Đa) hơn hai ngàn năm trăm năm về trước. Ngôi đền nhỏ được quét vôi trắng nằm giữa một khu đất rộng với vô vàn những chiếc móng nhà cũ – có vẻ như trước đây là một tòa lâu đài tráng lệ – nằm trơ trọi thách thức thiên nhiên. Dù ngày hay đêm, ngôi đền vẫn tỏa sáng soi bóng xuống hồ Pushkarni, được cho là nơi hoàng hậu Maya đã tắm trước khi hạ sinh thái tử. Đang say sưa ngắm đền, ngắm hồ, và tự soi bóng mình, bỗng nghe tiếng Kinh sớm vọng ra từ dưới gốc cây bồ đề cạnh hồ của các bậc hiền tăng. Cảnh tượng vô cùng đẹp làm tôi nhớ lại những bài giảng được nghe thuở nhỏ khi tham gia sinh hoạt gia đình phật tử.
Niềm hạnh phúc trong tôi còn được nhân lên gấp bội phần khi còn có duyên được viếng thăm thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) nơi Thái tử Siddhartha Shakya đã sống trong nhung lụa trước khi từ bỏ thế giới ta bà để xuất gia. Toàn bộ thành Kapilavastu, qua bao cuộc nội chiến giữa triều đại Thích Ca các triều đại khác, giờ đã nằm sâu 4.2m dưới lòng đất. Đứng ở cổng thành phía Đông, nơi thái tử Siddhartha Shakya ra đi, lòng tôi thấy xúc động bồi hồi.
Buồn lắm Cung điện Hoàng gia Narayanhiti
Hôm cuối cùng ở Kathmandu, còn ít thời gian trước khi ra sân bay về nhà, tôi phát hiện có một địa điểm rất hay ở ngay thủ đô mà rất ít được nhắc đến trong các trang du lịch. Đó là Cung điện Hoàng gia Narayanhiti- nay là Viện bảo tàng. Tò mò vào tham quan cung điện một thời, tôi rợn người khi được nghe câu chuyện thảm sát hoàng gia Nepal của 16 năm về trước. Cho đến bây giờ, vẫn còn đó những hoài nghi về nguyên nhân thái tử Dipendra đã giết chết gần 10 thành viên trong hoàng tộc, kể cả chính mình. Trong khu vườn một thuở vàng son ấy, tôi không thấy người ta trồng hoa và chăm chút cho các bụi cây, không gian u tịch trong một buổi chiều trời trở cơn giông, kèm theo tiếng quạ kêu – từng đàn, từng đàn – gợi lên nỗi ai oán lạnh người.
Giận lắm Kathmandu
Thành phố thủ đô của một đất nước mà như thế này à? Bụi bẩn, nhếch nhác! Đường đi thì xấu tệ. Chuyến xe bus từ thủ đô Kathmandu đi Lumbini vất vả nhất mà tôi từng đi. Đường đi xấu vô cùng, vì mua vé trễ nên tôi phải ngồi ở hàng ghế sau cùng, với thể tích đồ sộ 62 cân mà có lúc lại nhẹ như quả bóng bàn, cứ có dịp là nảy lên khỏi ghế vài mươi phân mỗi lúc xe đi qua các loại ổ gà ổ voi chi chít đầy đường. Hành trình chưa đến 300km mà phải mất 11 tiếng đồng hồ. Tôi giận lắm, nhưng nghĩ lại, cũng thương lắm khi biết Nepal đã từng chịu đựng thiên tai như thế nào.
Thương lắm Nepal
Dường như thủ đô Kathmandu vẫn chưa bình tâm sau trận động đất kinh hoàng xảy ra vào tháng 4 năm 2015. Hai mươi bảy tháng kể từ ngày thảm họa, Kathmandu vẫn chưa kịp trở mình. Toàn thành phố giờ như một đại công trường ngổn ngang, bụi bặm. Những đống đổ nát trên các con đường, trong các ngôi đền vẫn còn đó. Người Nepal đã khóc hết nước mắt cho gần mười ngàn người thân của mình. Chưa hết, hàng ngày họ vẫn còn nhìn những cảnh đổ nát như thế thì tang thương nào có thể nhanh chóng qua đi? Người ta chê thủ đô Kathmandu là đô thị dơ bẩn nhất thế giới. Tôi không chê, mà tôi thương. Tôi thương lắm những con người nghị lực. Những anh chàng đội lên đầu cả khối hàng to gấp mấy lần cơ thể mình, lang thang trên các con phố. Những chị phụ hồ đội lên đầu từng thau vữa xi măng nhấc từng bước chân để xây lên những tòa nhà cao tầng. Những chiếc xe cũ mèm (thời những năm 1980 của Việt Nam) là phương tiện sinh sống, đi lại của hàng triệu người dân Nepal. Người dân còn chở nhau trên những chiếc xe đạp cũ kỹ. Nhìn những cảnh đó, không thương sao được?
Xem thêm: Mùa Thu Đẹp Như Mơ Tại KYOTO – Cố Đô Đẹp Nhất Nhật Bản
Một tuần trôi qua với những cảm xúc hỉ nộ ái ố, tôi học được nhiều điều hay từ những người dân Nepal. Mộc mạc, giản dị, chân chất. Họ không tỏa sáng rực rỡ như những ngọn đèn neon đầy màu sắc ở những nơi phồn hoa. Họ cứ thế, kiên trì, giỏi chịu đựng, dù mong manh nhưng bền bỉ như những ngọn đèn bơ (butter lamp) trong các ngôi chùa, ngôi đền mà bất cứ đạo hữu nào cùng cần nhìn vào đó để soi sáng tâm mình!