Tản mạn: Nỗi niềm người Uyghur
Bài này tôi không viết cho mình, mà cho những người tôi mới quen, mới gặp, và ít nhiều đã được nghe về họ: người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ). Tôi không thích gọi họ là Duy Ngô Nhĩ, bởi không có lý do gì để phiên âm tên gọi tộc người Turk một thời oanh liệt ấy, chẳng hề liên quan gì đến người Hán đầy tham vọng ấy, thành một từ hán việt “Duy Ngô Nhĩ” khó ưa kia (cũng như tôi không thích gọi New York là Nữu Ước, Washington là Hoa Thịnh Đốn).
Tôi cũng không phải là nhà sử học, hay nhà phân tích phê bình để kể lại câu chuyện lịch sử của người Uyghur, bởi những ai thích tìm hiểu có thể xem đầy đủ chi tiết nhiều nguồn trong sách báo, trên mạng. Chỉ biết rằng người Uyghur, trải qua bao biến cố thăng trầm, giờ lại sống tha hương nhiều nơi, ở Siberi, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Mông Cổ, và đông nhất là ở Tân Cương. Tưởng chừng như người Uyghur cũng có một chốn đi – về của riêng họ ở Tân Cương. Nhưng không, họ lại được người Hán ban cho một “khu tự trị” ngay trên đất của chính mình, và hiển nhiên, lại chịu sự giám sát khắt khe của người Hán. Trong chuyến du hành ngắn ngủi ở vùng thảo nguyên mênh mông bát ngát đẹp tựa thiên đường Tân Cương này, không hiểu sao tôi lại chạnh lòng, phải chăng tôi đã cảm được nỗi niềm trắc ẩn của người Uyghur?
Thiên nhiên
Mẹ thiên nhiên chắc đã phân định rạch ròi trời Tây trời Tàu trời Ta, nên khi nhìn một cảnh đẹp nào đó, ta thường hay xuýt xoa: “cảnh đẹp như trời Tây ấy!”, “cảnh như phim Tàu ấy!”. Ở biên giới phía Tây Bắc Trung Hoa, có một tỉnh Tân Cương đẹp ngỡ ngàng. Chiếm ⅙ diện tích toàn lãnh thổ Trung Hoa, Tân Cương là một miền thảo nguyên bát ngát mênh mông mà những vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn hẳn phải mất bao nhiêu ngày đường mới đi qua hết. Có những cánh đồng hoa dại bạt ngàn tranh nhau khoe sắc bên những túp lều (yurt) miền thôn dã Kazakhstan mà những cánh chim trời sẽ bay đến mỏi cánh. Có những cánh rừng bạch dương Nga bên cạnh dòng Kanas xanh biếc màu xanh ngọc bích chảy mãi không ngừng. Cảnh đẹp ấy, mùi Tây ấy, lại thuộc quyền kiểm soát của người Hán.
Con người
Tôi không phân biệt chủng tộc. Nhưng kiểu “lấy thịt đè người” đang diễn ra tại Tân Cương thật xót xa. Cách thủ phủ Urumqi 330km là những mỏ dầu khổng lồ (có lẽ đây chính là lý do cho lòng tham của người Hán?), một thành phố có tên Karamay ra đời từ 1955. Đây là thành phố trẻ nhất Trung Hoa. Hơn nửa thế kỷ trước, đây chỉ toàn cỏ, và dĩ nhiên những mỏ dầu khổng lồ đang nằm yên bên dưới, hoàn toàn không có người ở. Chính quyền Bắc Kinh đã thu hút người dân đến đây lập nghiệp, với mức lương cao gấp nhiều lần, và chế độ đãi ngộ cực tốt (cái này phải phục người Hán). Giờ đây, qua 3-4 thế hệ, Karamay là một thành phố phát triển vượt bậc, trên cả giàu có. Với sự di dân ồ ạt đến Karamay trong nửa thế kỷ qua, tỉ lệ người Hán giờ sắp vượt hẳn người Uyghur. Với áp lực bị đồng hóa, ai dám chắc dòng máu Hán đã không hòa dòng máu Uyghur? Ai dám chắc trong vài trăm năm nữa, người Uyghur chỉ còn là một vài phần trăm nhỏ?
Một buổi chiều dạo chợ trung tâm thủ phủ Urumqi (Xinjiang International Grand Bazaar), tôi ngẩn ngơ khi nhìn thấy vô vàn nam thanh nữ tú. Nét mặt rất Tây, da trắng, mắt xanh hoặc nâu, mũi cao. Vốn dĩ người Uyghur thuộc Trung Á và Trung Âu, nhưng nét Âu có lẽ là gen trội nên nhìn họ không hề có nét gì châu Á. Nét đẹp rất Âu ấy, lại có cùng quốc tịch người Hán (Xin lỗi tôi không có ý chê người Hán mắt híp mũi tẹt, vì tôi cũng thế mà :). Đi ngoài đường nhiều người Hán cứ tưởng tôi là đồng loại nên cứ đến hỏi chuyện, hỏi đường đi, hỏi đủ thứ và tôi chỉ biết lắc đầu vì nào có biết một chữ tiếng Tàu nào đâu).
Chính quyền
Những ai có đủ hiểu biết cũng có thể nhận ra chữ “tự trị” nghĩa là gì. Những ai có nghiên cứu thêm một chút cũng có thể biết rằng những khu tự trị thuộc một nhà nước thống trị nào đó, đều có quyền lập pháp cao hơn những đơn vị hành chính cùng cấp thuộc nhà nước ấy. Nhưng với các khu tự trị dưới ách người Hán, trong đó có Tân Cương, lại hầu như không có quyền lập pháp, nếu không nói là mất hẳn cái quyền đó. Mà không, họ hầu như mất hết cả quyền được làm người, được làm những điều họ muốn, được đi đâu tùy thích. Tất cả mọi bước đi đều phải được những ô cửa an ninh cho phép bằng những tiếng kêu “teng teng” vô hồn mỗi khi ra vào chợ, quán ăn, khách sạn, thậm chí ở những khu vệ sinh bên đường cao tốc. Tất cả những tài sản, tư trang dù lớn hay nhỏ, hay cả bịch rác muốn mang đi vứt cũng phải qua những chiếc máy quét chạy ù ù. Một ngày họ phải qua biết bao nhiêu cái cửa an ninh như thế. Thật tiếc là tôi đã không được phép chụp hình để có thể minh hoạ ở đây.
Tôn giáo
Người Uyghur theo Hồi giáo, nhưng họ hầu như không được thể hiện những nét sinh hoạt tôn giáo của mình ngay trên chính đất của mình. Phụ nữ ra đường không được mang mạng che mặt. Đàn ông không được để râu, không được đội mũ trắng (loại mũ vải của người Hồi). Học sinh, sinh viên ở các trường học không được nhịn ăn trong tháng lễ Ramadan (tháng thứ 9 trong lịch Ả Rập). Người Hồi thường có những phòng cầu chuyện ở những nơi công cộng, bởi việc cầu nguyện đúng giờ là việc làm rất thiêng liêng. Ai đã từng đến sân bay Kuala Lumpur sẽ thấy có nhiều phòng cầu nguyện, trong đó có đầy đủ áo, khăn choàng, kinh sách cho các tín đồ. Có lần ở sân bay New Delhi, lúc cửa lên máy bay sắp đóng, đúng giờ hoàng đạo làm lễ, nhóm người Hồi vẫn không chút lo lắng, họ vẫn dừng lại làm lễ, mặc cho những nhân viên sân bay đang hối hả làm thủ tục boarding cho hành khách. Nhưng ở Tân Cương, người Uyghur không được phép cầu nguyện ở nơi công cộng trên đất của mình, nhà thờ Hồi giáo nằm ngay trung tâm Urumqi cũng thưa vắng tín đồ.
Mất quyền theo tín ngưỡng ở những nơi công cộng, một số tập tục truyền thống của người Uyghur cũng dần bị lãng quên. Tôi có dịp chứng kiến đám cưới của một cặp đôi người Uyghur. Tôi không có dịp tìm hiểu kỹ lắm, nhưng anh guide bảo tập tục cưới hỏi cũng đã bị thay đổi nhiều, giờ đơn giản, hiện đại hơn, và nhiều thủ tục tôn giáo không được phép thực hiện ở nơi công cộng.
Người Uyghur cũng đã bao lần đứng lên, lần gần nhất là năm 2014. Nhưng hễ 1 tia lửa mới lóe lên, chưa kịp sáng đã bị dập tắt. Tôi không biết có ngọn lửa nào đang nhen nhóm hay không, nhưng nhìn cách người Uyghur nói chuyện với người lạ, như tôi, họ dè dặt lắm. Anh guide tôi thuê đi cùng tôi 5 ngày ở Tân Cương, khi được hỏi về lịch sử người Uyghur, anh từ chối: “Tôi không nói chính trị”. Phải đến ngày cuối cùng, khi đã hiểu nhau chút ít, anh mới tâm sự nhiều điều hơn. Nhờ đó, tôi hiểu và cảm thông hơn với người Uyghur. Nhưng thật tiếc thời gian tôi dành cho Tân Cương quá ít. Tôi sẽ trở lại một ngày không xa. Hy vọng lúc đó sẽ thấy họ tung bay như những cánh chim trời.
Tôi cảm thông và viết cho người Uyghur, nhưng không hề mong sẽ có ngày có ai đó cảm thông và viết cho mình, cho đồng loại mình. Tôi sợ.
Nguồn: Nguyễn Thị Mai Trang