Ngày rời Ladakh, ta đã để quên con tim! – Nguyễn Thị Mai Trang
Mỗi lần đi bụi về, là mình mất thăng bằng. Phải vất vả lắm mới gọi hồn về với thực tại. Lần này càng tệ hơn, trở về từ Ladakh, con đường từ cõi mơ về cõi thực quả là quá xa, xa hơn cả 3 chuyến bay 24 tiếng từ Ladakh – New Delhi – Kuala Lumpur – Đà Nẵng, về Huế. Mà hình như máy bay đi quá nhanh, chỉ kịp mang cái thân xác mình về, còn hồn mình, tim mình, đầu óc mình dường như vẫn còn thất lạc ở đâu đó giữa bạt ngàn núi tuyết xa xôi.
Giấc mơ Ladakh đã ấp ủ từ lâu. Mình đã đọc nhiều sách, nhiều blog về vùng đất huyền bí quanh năm tuyết phủ này để chuẩn bị thật kỹ cho chuyến đi. Ladakh là vùng núi cao hiểm trở, nơi mà khả năng thiếu oxy và sốc độ cao trầm trọng có thể xảy ra với bất cứ ai. Thật may mình không bị những triệu chứng đó khi đang ở Ladakh, nhưng lại vô duyên bị sốc nặng bởi những nỗi nhớ miên man từ khi thu dọn hành lý lê bước rời thị trấn Leh, đến khi về Huế với 4 bức tường văn phòng vô cảm. Những nỗi nhớ ấy cứ vô tình dằn vặt, cào xé, tra tấn tim mình.
Nhớ quá anh guide Jigmet Lhundup thân thiện, dễ gần và rất nghiêm túc, tận tâm. Những lúc đi qua, hay ở lại vùng có độ cao 4000-5000 mét, dễ gây choáng váng, khó thở, ngất xỉu cho những người quen sống ở đồng bằng. Lúc đó mới thấy cách anh ấy quan tâm và lo lắng cho khách như thế nào. 0:30 phút sáng tại phòng khách sạn Ser Bhum Tso Resort bên hồ Pangong cao 4.300m, mình đã phải gõ cửa phòng Jigmet nhờ tiếp oxy cho bạn đồng hành. Một đêm ngủ chập chờn đầy lo lắng, nhưng biết có Jigmet bên cạnh, mình yên tâm vô cùng.
Xem thêm: Có một mùa Thu rất ngọt ở Nam Phi – Dinh Hang’s Travels
Nhớ luôn anh tài xế Tenzin ít nói tính tình hiền lành sẵn sàng làm phó nháy khi được giao hỗ trợ chụp hình bằng điện thoại. Nhớ lắm giọng nói “Car is coming (xe hơi tới kìa)” để cảnh báo chúng tôi tránh sang bên lề khi có xe đang lao vun vút tới, khi cả bọn “nghênh ngang” lao ra giữa đường chụp ảnh mỗi khi thấy cảnh đẹp.
Nhớ vô cùng những con đường uốn quanh núi tuyết trắng xóa và hoang mạc bao la. Rồi cả những con đèo cao nhất (Khardungla-5.600m), cao nhì (Changla-5.200m) thế giới, bởi cái tên Ladakh có nghĩa là vùng đất của những ngọn đèo cao, nơi mà chỉ đứng tầm 10 phút trên đỉnh đèo thôi, toàn thân cũng dễ bị đóng băng bởi quá lạnh. Một bạn đồng hành, dù đang thiếu oxy và phải đeo bình thở, cũng không thể bỏ qua thời khắc hiếm có trong đời để chụp một bức ảnh làm kỷ niệm hành trình chinh phục đèo Khardung.
Nhớ da diết bữa cơm đạm bạc nhưng ấm áp tình gia đình trên vùng núi cao 4.000m. Đó là bữa ăn ngon nhất do mẹ và em gái của Jigmet nấu đãi chúng tôi. Buổi trưa sau khi đổ đèo Khardung để về thung lũng Nubra, Jigmet đưa chúng tôi ghé vào nhà anh. Ở độ cao 3.900m, cuộc sống gia đình Jigmet có vẻ như cũng vất vả bởi điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt. Bữa trưa với súp khoai tây, hạt bailey rang, bánh mì nướng, chuối, mà sao ấm lòng đến lạ lùng.
Nhớ ơi là nhớ cái ban công phòng nghỉ khách sạn Jigmet Hotel & Guesthouse ở Leh. Trước đây đã bao lần đi ngắm núi tuyết nhưng bị hụt do trời nhiều mây. Đã hai lần đi qua đồi Dochula ở Bhutan vẫn không ngắm được núi tuyết, lang thang cả hai ngày ở hồ Fewa ở Pokhara (Nepal) vẫn không ngắm được núi tuyết, thức dậy 4 giờ sáng đến đồi Sarangkot (Nepal) vẫn không ngắm được núi tuyết, vượt đèo dốc hiểm trở đến với làng Nagarkot ở Kathmandu (Nepal) vẫn không ngắm được núi tuyết. Nhưng lần này, đến Ladakh, đâu đâu quanh mình đều là núi tuyết. Lang thang trên đường, thấy núi tuyết, ngồi trên xe đi từ điểm này đến điểm khác, thấy núi tuyết. Tuyệt nhất là cứ nằm trong phòng nhìn ra cửa, hoặc ngồi ở ban công, núi tuyết hùng vĩ lúc nào cũng sẵn sàng chào đón ngoài kia. Cả một vùng núi tuyết bao la vây quanh mình, tôi thấy thân mình lạnh cóng, nhưng tim mình lại nóng, tưởng tượng như máu trong tim đang làm tan chảy cả núi tuyết ngàn năm ấy.
Xem thêm: Tâm sự: Đi săn mặt trời ở Cape Town
Nhớ quay quắt ngôi làng nhỏ Turtuk nằm ở biên giới Ấn Độ – Pakistan. Vốn là vùng đất của Pakistan trước năm 1971, Turkuk là một ngôi làng khép kín với thế giới bên ngoài, cuộc sống ở đây nhẹ nhàng, nghèo nhưng yên bình, có lẽ họ sống khép kín trong cộng đồng của mình, đến nỗi chúng tôi muốn xin phép chụp ảnh họ, họ đều nói không. Nếu lỡ lén giơ máy ảnh lên mà bị phát hiện sẽ nhận được sự phản đối rất gay gắt từ phía họ. Lạ, cái gì cấm lại càng khoái. Thế là cũng lén lút chụp vài kiểu sau lưng khi họ dắt lừa vận chuyển cát để xây nhà.
Nhớ khôn nguôi cái lều ngủ ở Dowa Deluxe Camp ở thung lũng Nubra. Nhỏ nhắn, nhưng đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, phòng vệ sinh. Tất cả đều sạch sẽ ngăn nắp. Ông chủ vui vẻ, các em phục vụ dễ thương, hai anh đầu bếp đáng yêu cho mình vào phá phách gian bếp của họ để nấu vài món Việt kẻo cứ ăn hoài cà ri Ấn cũng hơi ngấy.
Nhớ đến phát điên cái hồ Pangong quá sức đẹp, đẹp đến mê hoặc bởi màu nước pha lẫn màu trời xanh ngắt. Khi xem phim 3 chàng ngốc (3 idiots) mình đã mê mệt cái cảnh cuối trong phim được quay ở hồ Pangong này. Đến lúc được đứng ngay điểm quay phim, bằng đôi chân trần của mình, tự nhiên thèm được là cô Pia – nữ diễn viên trong phim, được ai đó cầu hôn, hoặc cầu hôn ai đó giữa không gian lãng mạn của bao la đất trời Pangong.
Từ khi đọc Đường Mây qua xứ Tuyết của Anagarika Govinda (Nguyên Phong dịch), mình thấm thía câu nói “…không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn”. Có lẽ từng câu chữ ấy đã ăn sâu trong đầu, bám vào nơ ron truyền dẫn ý định chinh phục Himalayas, len lỏi theo những mạch máu chảy rần rần khắp cơ thể, khiến mình ngứa chân, ngứa tay. Để rồi khi thực hiện chuyến đi đến Ladakh trở về, mình như kẻ vô hồn. Lẽ nào kiếp trước, kiếp sau, hay một kiếp luân hồi nào đó, mình đã, sẽ là người Ladakh?
Nguồn: Nguyễn Thị Mai Trang