TẾT – đơn giản chỉ một từ thôi mà chứa biết bao cảm xúc, từ hoài niệm, đến mong ngóng, trông chờ. Mỗi lần nhắc đến Tết, bao nhiêu cảm xúc của mỗi người con Việt đều chực dâng trào để tâm hồn mình bay bổng theo những dòng ký ức tìm về những ngày Tết đã qua và háo hức mong chờ những ngày Tết sắp đến. Và thời điểm mà ta cảm nhận thực sự Tết đã về là lúc mọi nhà cúng tiễn ông Táo “cũ” về trời, và chuẩn bị rước ông Táo “mới” về cho căn bếp nhà mình.

Tục cúng đưa ông Táo chầu trời ngày 23 tháng Chạp, và rước ông Táo về ngày 30 để đón năm mới chắc ai cũng biết nhưng có lẽ ít ai biết tượng ông Táo được “sản xuất” như thế nào, và ở đâu. Hẳn nhiên, ai cũng nghĩ làm tượng ông Táo cũng như làm đồ gốm thôi, nên mấy ai quan tâm tìm hiểu thêm. Nhưng để mỗi nhà có được tượng ông Táo mới đón Tết thì lại không hề đơn giản bởi người thợ làm gốm cũng phải vất vả, chịu khó và tỉ mỉ lắm. Cả nước chắc cũng chỉ còn lại vài nơi còn duy trì nghề này, và trong số đó, làng Địa Linh ở xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà (cách trung tâm thành phố 4km) là ngôi làng nặn tượng ông Táo duy nhất còn lại ở Huế.

Tôi tình cờ đến làng Địa Linh trong một buổi chiều đạp xe lang thang về thăm Bao Vinh phố cổ. Qua khỏi cống Địa Linh, tôi rẽ trái vào một con xóm nhỏ bên dòng kênh và phát hiện rất nhiều người đang ủ những khối đất sét lớn. Hỏi ra mới biết họ đang chuẩn bị vào mùa nặn tượng ông Táo. Dù chỉ mới tháng 10 nhưng những người thợ gốm đã vào mùa cho kịp những chuyến hàng ra Bắc vào Nam. Vào thăm một lò gốm và hỏi chuyện những người thợ đang tỉ mỉ, người nặn tượng, người tô tượng, họ vui vẻ trò chuyện và chia sẻ về công việc của mình không chút ngần ngại. Tôi thật cảm phục những người thợ gốm của ngôi làng nặn tượng ông Táo độc nhất ở xứ Huế này, dù nghèo, họ vẫn duy trì được nghề truyền thống lâu đời của ông cha.

Công việc tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng vất vả, mà thu nhập quá bấp bênh. Chính vì thế cả làng hiện nay chỉ còn khoảng 5 hộ gia đình còn làm nghề này. Dù mỗi năm chỉ làm được một mùa, nhưng họ vẫn sống với nghề, dù thu nhập thấp nhưng họ vẫn bám nghề, bởi họ không chỉ làm để kiếm kế sinh nhai, mà họ còn đang cố gắng giữ gìn một truyền thống đáng được bảo tồn của người Việt.

Để cho ra đời những tượng ông Táo hoàn chỉnh kịp cho các gia đình “rước” về đón Tết, người thợ gốm Địa Linh phải cẩn thận từng bước một, từ khâu chọn lựa đất sét, đến công đoạn nhào nặn, in khuôn, nung gốm và tô điểm cho tượng.

Chuẩn bị đất sét

Về Địa Linh thăm làng nặn tượng Ông Táo

Không phải sắp đến Tết người ta mới làm tượng, mà người dân Địa Linh đã bắt đầu mua đất sét về dự trữ trước từ mùa hè, từ tháng 5, tháng 6, lúc thời tiết còn nắng ráo. Nếu không, khi mùa lũ về sẽ không có đất sét đẹp, hoặc có thì đất sét cũng sẽ bị quá nhão do đã ngấm nước lũ, rất khó cho quá trình nhào đất.

Về Địa Linh thăm làng nặn tượng Ông Táo

Nặn và nung tượng

Đất sét được lựa chọn kỹ càng và dự trữ cẩn thận, không để bị quá khô hay quá ướt. Vào mùa, người ta mới nhào nặn cho đất dẻo rồi đem ép vào khuôn gỗ. Khuôn cũng được làm từ loại gỗ tốt như gỗ lim thì mới khắc đẽo được những nét tinh xảo của tượng. Khi đúc tượng, khuôn gỗ phải được làm sạch để không còn mẫu đất sét nào còn dính trong các khe, các rãnh của họa tiết, như thế tượng đúc ra mới sắc nét. Sau khi làm sạch, khuôn được thoa một lớp bột khô, rồi mới cho đất sét đã nhào vào khuôn. Người thợ phải dùng lực mạnh gõ khuôn để đất sét phủ đầy các chi tiết, rồi tỉ mỉ dùng dao gọt sạch bề mặt phía sau tượng cho thật phẳng trước khi lấy tượng ra khỏi khuôn. Tượng được phơi khô, cho vào lò nung, công đoạn này thường mất 2-3 ngày, nếu thời tiết không nắng ráo, có khi họ phải dùng quạt máy để hỗ trợ cho quá trình phơi khô.

Về Địa Linh thăm làng nặn tượng Ông Táo

Tô màu cho tượng

Tượng ông Táo sau khi nung được đem đi nhúng màu, màu hồng, hoặc màu đỏ, rồi lại được đem phơi khô. Cũng do thị hiếu của các gia đình khác nhau mà ngày nay ông Táo có nhiều diện mạo mới, phong phú hơn. Cũng có những tượng đơn giản màu gạch nung, không “son phấn”, nhưng cũng có nhiều tượng được tô vẽ, trang điểm để phân biệt Táo Ông, Táo Bà. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ dùng cọ tô màu, vẽ mặt mũi, rồi rắc thêm bột kim tuyến cho tượng thêm lấp lánh trước khi xuất xưởng.

Về Địa Linh thăm làng nặn tượng Ông Táo

Dù thời gian và lối sống hiện đại đã làm phai mờ một số phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt, nhưng có lẽ tục cúng đưa – rước ông Táo là tập quán sẽ không bao giờ nhạt phai bởi dù ở đâu, thành phố hay miền quê, dù gia đình khá giả hay nghèo khó, người Việt đều có thờ ông Táo trong không gian trang trọng nhất của căn bếp nhà mình.

Cuối buổi chiều rời khỏi làng Địa Linh với những khám phá thú vị về nghề nặn tượng ông Táo, chợt nhớ về truyền thuyết hai ông một bà và câu chuyện thủy chung của họ, tôi thầm cảm ơn những người thợ gốm, bởi nhờ họ, mà căn bếp của những gia đình Việt vẫn giữ được linh hồn.

Nguồn: Nguyễn Thị Mai Trang