Thời đó gia đình tôi đón Tết đơn giản lắm, nhưng vị Tết ngày xưa ấy đậm đà lắm. Đậm đến nỗi đã mấy chục năm rồi mà mùi nó vẫn chưa phai, giờ nhắc lại, sao tôi vẫn nghe thấy có gì đó rộn ràng trong tim, cay cay trong mắt, nồng nồng lên sống mũi. Và tôi lại nhớ những ngày 30 Tết khi theo Ba đi chợ nhà nghèo.

Đã bao lâu rồi nhỉ? Kể từ ngày Tết về nhà mà thiếu vắng bóng Ba? Đã bao lâu rồi nhỉ? Kể từ lần cuối tôi theo Ba đi chợ nhà nghèo chiều 30 Tết? Lâu, thật lâu lắm rồi. Năm nay thêm một cái Tết nữa, một cái Tết tôi không có Ba, nhưng những ký ức ngày xưa được cùng Ba đi chợ Tết, rồi cả nhà cùng quây quần bên nồi bánh chưng bánh tét chờ đón giao thừa vẫn như sống lại từng giây, từng phút, ngỡ như mới đây thôi…

Người ta nói chợ chiều 30 Tết là chợ nhà nghèo, bởi những gia đình khá giả đều đã mua sắm đầy đủ mọi thứ từ trước đó. Chỉ có những gia đình nghèo, quanh năm làm lụng vất vả để đến khi xong việc cũng là lúc chuẩn bị đón giao thừa. Chiều 30, sau khi gom góp được ít tiền, sau khi đã trả được hết, hoặc một phần nợ nần trong năm, họ mới cầm ít tiền dành dụm còn lại ra chợ, sắm sửa vài thứ cần thiết để đón Tết cho bằng họ bằng hàng. Đi chợ nhà nghèo cũng có cái thú của nó. Có khi phải chấp nhận mua với giá cao gấp mấy lần giá trị thật của món hàng, nhưng cũng có khi mua được nhiều thứ tốt với giá rất hời. Nhà tôi cũng vậy, dù ngoài kia phố xá có tấp nập, nhộn nhịp cả tuần trước đó, thì chiều 30 tôi mới thấy Tết về với nhà mình.

Ngày 30 Tết theo Ba đi “chợ nhà nghèo”

Ngày đó, Mạ gánh gạo bán rong khắp xóm, khắp làng, còn Ba thì chạy xe Lam (Lambro) chở khách đi lại giữa An Cựu (thành phố Huế) và Truồi (huyện Phú Lộc). Những ngày giáp Tết, người ta mua gạo, mua nếp nhiều hơn nên Mạ cũng vất vả hơn, bán hàng xong mạ đi chợ mua đồ về nấu cơm cúng rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Còn Ba chạy xe Lam chở khách cũng được nhiều chuyến hơn. Ba Mạ tuy vất vả nhưng chắc cũng mừng vì kiếm thêm được ít tiền, nhưng chúng tôi có biết đâu, chỉ biết buồn thôi, vì phải đến cuối ngày 30 Tết, Ba Mạ mới có thời gian chuẩn bị Tết cho nhà mình. Mạ là “gái quê” từ làng Lê Xá Trung theo Ba lên phố từ năm 16 tuổi, từ đó quanh quẩn buôn bán đầu tắt mặt tối ở chợ An Cựu. Mạ nói cả cuộc đời Mạ cũng chỉ được một hai lần “đi phố” (đi chợ Đông Ba và các con phố mua sắm như Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Đăng Lưu). Nên việc mua sắm áo quần Tết cho con cái Mạ giao cho Ba. Mạ kể hồi đó, sau bữa cơm trưa ngày 30, Ba mới rảnh để chở anh chị em tôi sang chợ Đông Ba mua cho mỗi đứa một bộ đồ mới và một đôi dép nhựa mới. Thời đó, mỗi năm chỉ đợi đến Tết mới được đi mua áo quần, mà chúng tôi cũng chỉ cần có đồ mới thôi chứ chẳng có khái niệm thời trang là gì.

Chọn áo quần thì phải hơi rộng một chút để năm sau khi cao lớn hơn, to con hơn vẫn còn mặc được. Đứa 6 tuổi thì phải chọn mua áo quần 7, 8 tuổi để “trừ hao” khi lớn lên. Rồi dép cũng phải là một đôi dép lê loại nhựa dẻo để bền hơn, lâu đứt hơn, và nếu có bị đứt quai thì nhựa dẻo vẫn có thể dán lại được. Ngày xưa mua gì cũng phải tính toán như thế. Có lúc vô tình đi ngang hàng giày Phước Lộc Thọ, nhìn thấy mấy đôi giày sapô đặt trong tủ kính, tôi cũng chỉ biết đứng trân ra mà nhìn, ước gì được mua một đôi như vậy, mang chắc êm chân lắm. Nhưng thôi, cứ có quần áo mới, đôi dép mới là “vui như tết” rồi, mà là Tết thật!

Ba cũng hay chở tôi đi chợ hoa để mua một ít hoa về chưng Tết. Chợ hoa ngày đó không có nhiều loại như bây giờ, chỉ có hoa mai và hoa vạn thọ (mà người ta hay gọi theo kiểu dân dã là bông thọ), rồi có chăng thì thêm vài loài hoa cúc. Phổ biến nhất vẫn là hoa mai, nhưng không phải là những chậu mai cảnh bạc triệu, bạc tỉ được uốn éo đẹp mắt như bây giờ, mà chỉ là những cành mai thật to được người dân ở các vùng quê vất vả “vác” lên phố, đứng dọc hai bên đường Trần Hưng Đạo để bán. Nếu may mắn bán được thì có thêm tiền mua sắm đồ Tết, còn nếu không thì họ lại lủi thủi mang những cành mai to, cồng kềnh ấy về nhà, đợi phiên chợ ngày hôm sau. Lựa chọn mãi mới được một cành mai ưng ý và hợp túi tiền, mấy cha con mang về để chưng ngay giữa nhà, rồi trang trí thêm với những tấm thiệp chúc Tết được bạn bè tặng. Ba cũng không quên mua thêm ít cây bông thọ, phần để cúng giao thừa, phần để trồng trong sân, ở hai bên bậc tam cấp để cho có không khí Tết.

Hồi hộp nhất là đêm 30, cả nhà cùng ngồi bên nồi bánh chưng bánh tét, vừa trông bánh vừa thay nhau đi tắm rửa cho sạch sẽ. Năm nào Tết ở Huế cũng mưa, lạnh, mà nhà nghèo làm gì có bình nước nóng để hễ gạt cần là có ngay nước ấm để tắm. Ngày đó, nguồn điện khan hiếm, không có điện đều đặn mỗi ngày. Chi phí tiêu thụ điện cũng lại khá cao nên chẳng có nhà nào sắm máy nước nóng. Cứ mùa đông là phải chịu khó nấu nước để tắm. Mạ giỏi tính toán, để tiết kiệm củi, lúc nấu bánh tét, sẵn bếp lửa, Mạ kê thêm cái ấm nước bên cạnh, lửa bén ra cũng làm cho nước sôi, thế là có nước ấm để tắm. Nghĩ cũng lạ, đối với lũ trẻ con chúng tôi thời đó, cái đêm 30 nó thiêng liêng lắm, làm gì thì làm chứ phải đảm bảo tắm rửa giặt giũ, cắt tóc, cắt móng tay móng chân sạch sẽ, cái gì cũng phải xong xuôi trước khi đón giao thừa, để đảm bảo một năm mới thật tươm tất.

Ngày 30 Tết theo Ba đi “chợ nhà nghèo”

Tắm rửa xong cũng là lúc đón giao thừa và chờ nghe tiếng pháo nổ, nhà nào giàu thì treo những phong pháo cao cả chục mét, mà toàn pháo trống, nổ to vang trời. Nhà nghèo thì đốt phong pháo ngắn hơn, hoặc chỉ đốt pháo tép (loại pháo nhỏ như con tép khô). Đúng 12h đêm, Ba đặt bàn ra cúng giao thừa, anh chị em chúng tôi thì háo hức chờ nghe tiếng pháo, rồi thi nhau đoán tiếng pháo nổ. Mà tài thiệt, trong cả bữa tiệc âm thanh tiếng pháo vang lên đùng đùng đó, chúng tôi có thể đoán ra tiếng pháo của từng nhà. Hễ tiếng pháo kêu to nhất thì đoán là pháo của nhà chú Xuân cô Dung giàu nhất xóm rồi!

Ngày 30 Tết năm nay, tôi lại đi “chợ nhà nghèo”. Không biết người ta còn nghĩ chợ 30 Tết là chợ nhà nghèo nữa hay không, bởi tôi thấy nhiều tầng lớp người tấp nập vào ra phiên chợ cuối cùng này của năm cũ. Chợ nhà giàu, hay chợ nhà nghèo, tôi không bận tâm nữa, bởi vật chất không thể mua được những ký ức vô giá của không khí Tết ngày xưa trong tôi. Vì thế năm nào, tôi cũng thích đi chợ chiều 30. Khi hòa vào dòng người hối hả, tôi sung sướng được sống lại trọn từng khoảnh khắc khi còn nhỏ, được Ba đưa “đi phố” trong phiên “chợ nhà nghèo”.

Nguồn: Nguyễn Mai Trang