Phần 1: “PHẢI LÒNG” SYDNEY

Khi biết tôi sắp sửa đi Úc, cô Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo của hệ thống CIS hỏi tôi: “Bà sẽ đi vùng nào ở Úc?”. Tôi trả lời: “Sydney”. Cô nheo mắt nhìn tôi cười và bảo: “Thế thì bà sẽ “fall in love with Sydney” (phải lòng Sydney), giống tôi thôi!”. Tôi cười to chọc lại cô: “Tôi biết tại sao bà “fall in love” với Sydney rồi, nhưng tôi thì khác nhé!” (cô đang có “đối tác” là người Úc sống ở Sydney 😊). Tuy nhiên, khi tôi vừa dứt tiếng cười, cô nghiêm mặt bảo: “Tôi nói thật đấy! Hãy đến đó rồi cảm nhận đi! Bà sẽ yêu Sydney cho mà xem, ít nhất là về nhịp sống sôi động và môi trường trong lành tuyệt vời của nó!”.

Gặp Gỡ Australia - Phần 1: Phải Lòng Sydney

Và tôi đã tới Sydney trong tâm thế của một người đã đi nhiều, trải nghiệm nhiều nhưng lại là lần đầu tiên mới đặt chân đến nước Úc. Không thích phải bắt đầu nhìn một nơi nào đó qua lăng kính của người khác, nhưng lại cũng tò mò muốn biết đánh giá của họ có đúng hay không 🙂.

Xem thêm: Chuyến Đi Thái Lan Tự Túc 5 Người Pattaya – Bangkok

NHỮNG ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN

Sydney là thủ phủ của bang New South Wales và cũng là thành phố lớn nhất nước Úc, dù nó không phải là thủ đô (cũng giống như Toronto là thành phố lớn nhất nhưng lại không phải thủ đô của Canada). Đây cũng là thành phố lâu đời và nổi tiếng nhất của Úc. Nói đến Sydney nghĩa là nói đến những đặc trưng của nước Úc và ngược lại, nói đến Australia thì không thể không đề cập đến Sydney đầu tiên!

Gặp Gỡ Australia - Phần 1: Phải Lòng Sydney

Sân bay quốc tế Sydney không hoành tráng và có thiết kế đẹp như các sân bay quốc tế ở nhiều nước khác, nhưng việc làm thủ tục nhập cảnh khá nhanh. Trước chuyến đi, cô thư ký đã chuẩn bị in sẵn visa cho hai vợ chồng (vì Úc cấp visa online qua email chứ không bắt nộp passport để phát hành visa như cách thường thấy ở nhiều nước khác). Tuy nhiên, tại sân bay Sydney, nhân viên hải quan cũng chẳng yêu cầu xuất trình visa. Chỉ cần đưa passport, họ vào mạng truy cập chừng vài phút là cho qua. Hồi gặp con trai ra đón, kể cho con nghe về ấn tượng này, con bảo với những người trẻ như tụi con, điều thích nhất khi sống ở Úc là mọi thứ liên quan đến thủ tục hành chính đều có thể làm online! Từ mua bán xe cộ, nhà cửa, đăng ký học hành… đến xin visa xuất, nhập cảnh… tất cả đều có thể làm trên mạng. Rất nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch. Không sợ ai hoạnh hoẹ, làm khó dễ hoặc “bỏ quên hồ sơ” như kiểu làm “paperwork” truyền thống trong công việc hành chính.

Nhìn tổng quan, tôi thích Sydney hơn Toronto về mặt quy hoạch và xây dựng. Cả thành phố như ôm lượn quanh biển với điểm nhấn là hai cây cầu nổi tiếng Sydney Harbour Bridge và The Pyrmont Bridge. Ngồi trên xe lửa đi ngang qua Sydney Harbour Bridge, thấy Nhà hát Opera mà dân Việt hay gọi là Nhà hát con sò như một bông hoa xoè cánh nở bung trên mặt nước. Ở Darling Harbour (một cái tên cảng thật dễ thương 😊), có thể thoải mái thả bộ trên cây cầu Pyrmont để đi từ bờ này sang bờ kia, hoặc ghé thăm Bảo tàng hàng hải quốc gia. Nhiều người thường hay thích thú dừng lại chụp hình với cái mỏ neo khổng lồ ở trước Bảo tàng này.

Gặp Gỡ Australia - Phần 1: Phải Lòng Sydney

Sydney CBD (viết tắt của Central Business District, tạm dịch: Quận thương mại trung tâm) được xem như là downtown của Sydney rộng lớn. Đúng như tên gọi, khu này xứng đáng là điểm đến hấp dẫn nhất của các “tín đồ shopping” khi đến Úc 😀. Các toà nhà với kiến trúc cổ điển và hiện đại đan xen lẫn nhau một cách hợp lý. Có những khu mua sắm tuy nhỏ nhưng đã được xây dựng từ hàng trăm năm về trước như The Strand. Đến đây cứ ngỡ đang lạc vào một đường phố cổ nào đó ở châu Âu. Toà nhà QVD (viết tắt của Queen Victoria Building) là điểm nhấn nổi bật của Sydney CBD. Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 với lối kiến trúc Romanesque Revival rất thịnh hành thời ấy, toà nhà nằm giữa các trục đường thương mại sầm uất nhất của Sydney gồm York, Market, George và Druitt Street. Tuy gọi là “Toà nhà Nữ hoàng Victoria” nhưng thiết kế bên trong hoàn toàn là để phục vụ cho hoạt động thương mại chứ không phải là để cho Nữ hoàng ở 😁. Và kể từ khi chính thức mở cửa vào ngày 21/7/1898 cho đến nay, QVD vẫn luôn được xem là shopping centre sầm uất nhất ở Sydney CBD.

Xem thêm: Review Chuyến Đi Thái Lan Cực Kỳ Chi Tiết & Mới Nhất

Các cửa hàng mua sắm ở Sydney có đặc điểm là thường đóng cửa sớm từ 5 giờ chiều. Chỉ riêng vào thứ Năm hàng tuần (gọi là shopping day), các trung tâm thương mại mới mở cửa đến 9-10 giờ tối. Tuy nhiên, riêng các cửa hàng ăn uống và các quán bar thì có thể mở cửa thâu đêm. Có khi hơn 11 giờ đêm rồi mà chúng tôi còn ngồi nhâm nhi ở một quán ăn tại khu cầu cảng Sydney, cạnh Nhà hát Opera. Xung quanh người vẫn đông nghịt. Tiếng cười nói xen lẫn tiếng đàn hát càng về khuya càng lan tỏa rộng trong không khí se lạnh của đêm xuân, cùng với ánh lửa bập bùng ấm áp từ những cây đèn sưởi rải rác ở các quán. Có đến đây mới cảm nhận rõ hơn về nhận xét “Sydney là thành phố không ngủ” mà ai đó đã từng nói…

Gặp Gỡ Australia - Phần 1: Phải Lòng Sydney

Ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi là các bờ biển ở Sydney đúng nghĩa được dành cho nhân dân hưởng thụ. Từ các bãi tắm như ở Bondi Beach đến các không gian công cộng dành cho ăn uống hoặc mua sắm xung quanh khu vực cảng như Sydney Harbour hay Darling Harbour, chỗ nào cũng thấy người dân được ra vào thoải mái và sử dụng các tiện ích. Không hề thấy có tình trạng các resort hay dự án căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng chiếm lĩnh mặt tiền biển với những bãi tắm riêng chỉ dành cho người có tiền như ở ta.

Đến Royal Botanic Garden – vườn thực vật chính và rất nổi tiếng của Sydney, chúng tôi choáng ngợp không chỉ với muôn vàn hoa thơm cây lạ mà còn ngây ngất với một dải bờ biển đẹp tuyệt vời viền quanh khu vườn rộng lớn. Vì ra vào vườn miễn phí nên có thể thấy rất nhiều ông bố bà mẹ đẩy xe nôi đưa con dạo chơi, hoặc từng nhóm bạn bè hay học sinh đến chơi đùa và học bài ở đây. Thời gian này ở Úc đang là mùa Xuân, do vậy không ngạc nhiên khi thấy nhiều người nằm xoải dài trên những bãi cỏ xanh mướt để đọc sách hoặc phơi nắng, tranh thủ tận hưởng ánh nắng ấm áp trong tiết xuân mát lành.

Gặp Gỡ Australia - Phần 1: Phải Lòng Sydney

Anh Khanh, một bạn đồng môn trường cũ của chồng tận tình lái xe đưa chúng tôi đi thăm Sydney Olympic Park ở thành phố Parramatta, cách Sydney CBD khoảng 16 km về phía Tây. Đây là công trình liên hợp thể thao – giải trí rất lớn được đầu tư để phục vụ Olympic 2000 tại Sydney. Trong khu vực này có cả những khách sạn năm sao, ga tàu và trạm xe buýt… Sau khi Thế vận hội kết thúc, công trình được giữ nguyên và đưa vào khai thác để phục vụ nhân dân địa phương cũng như các vùng phụ cận. Thỉnh thoảng, các sự kiện thể thao lớn của quốc gia vẫn diễn ra tại đây. Khi thấy chúng tôi thắc mắc tại sao cái sân vận động lớn lại để bảng hiệu “ANZ Stadium”, anh Khanh giải thích: “Cứ 4 năm một lần, Chính phủ sẽ bán quyền gắn tên trên sân vận động này. Doanh nghiệp nào mua được sẽ phải trả cho ngân sách một số tiền và như vậy sân vận động sẽ được gọi theo tên của doanh nghiệp cho đến khi hết hợp đồng. Ngân hàng ANZ đã mua được quyền gắn tên vào thời điểm này nên sân vận động đang mang tên ANZ Stadium là vì vậy”!

Đến đây, thêm một lần nữa để thấy ở những xứ “giãy chết” thế này, hình như câu khẩu hiệu “của dân, do dân và vì dân” mới đúng là điều có thực! Biển, rừng, đất đai, tài sản quốc gia – tất cả đều chẳng cần phải được hô hào là “thuộc sở hữu toàn dân”, thế nhưng dân họ lại đang thật sự được xài, được hưởng và được cả quyền định đoạt. Đó là nhờ tinh thần trách nhiệm cũng như sự minh bạch của bộ máy điều hành đất nước, cùng một ý thức hệ mạnh mẽ về việc bảo vệ lợi ích quốc gia và tôn trọng tuyệt đối quyền lợi hợp pháp của nhân dân.

Gặp Gỡ Australia - Phần 1: Phải Lòng Sydney

ĐI “TRAIN” Ở SYDNEY

Điều làm tôi thú vị nhất ở Sydney là sự tiện lợi của việc đi lại bằng tàu điện. Mặc dù được gọi là “train” nhưng tàu ở Sydney hoàn toàn chạy bằng điện và cũng có những đoạn chạy ngầm dưới đất như metro (hay subway – theo cách gọi ở Mỹ và Canada). Tôi đã từng trải nghiệm đi metro ở Paris và subway ở Toronto, nhưng xét về sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn và cả yếu tố vệ sinh thì tàu điện ở Sydney vượt trội hơn hẳn. Các toa tàu thường có 3 tầng: Một tầng trung gian ở giữa có không gian nhỏ nhất dành cho những người lớn tuổi, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật phải sử dụng xe lăn. Hai tầng khác thì theo các bậc thang đi lên và đi xuống. Các ghế ngồi bọc nhung xanh điểm hoa vàng trang nhã (ngoại trừ một số tàu cũ ghế ngồi còn bọc simili). Trong các khoang đều có đèn đuốc sáng sủa và đặc biệt là luôn sạch sẽ, không có kiểu “mùi tàu xe” đặc trưng thường gặp trên các phương tiện vận chuyển công cộng.

Xem thêm: Review: Đi Du Lịch Nhật Tự Túc Dễ Hay Khó

Hệ thống tàu điện Sydney (Sydney trains network) là một mạng lưới các đường tàu điện ngoại ô hỗn hợp được kết nối với một lõi trung tâm ngầm dưới đất, bao phủ trên 815 km (506 dặm) và 178 ga (station) với hơn bảy tuyến (line). Mạng lưới tàu hoạt động 21 giờ mỗi ngày với tần suất cứ 3 phút có một chuyến ở các ga trung tâm, từ 5-10 phút ở hầu hết các ga chính và 15 phút ở các ga nhỏ. Chịu trách nhiệm điều hành và quản lý mạng lưới tàu này là Cơ quan vận chuyển thuộc chính quyền bang New South Wales (Transport for NSW). Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng tàu thường xuyên, cơ quan này đã phối hợp với hệ thống bán vé Opal card để phát hành các thẻ từ cho hành khách. Ngoài ra, nếu có nhu cầu, người dân ở đây chỉ cần bỏ ra 4 đô la Úc để mua một cái app trên điện thoại hay máy tính cá nhân, thế là hàng ngày có thể được cập nhật giờ tàu đi tàu đến ở mọi ga. Con trai tôi thuê phòng tại một ký túc xá sinh viên nằm ngay gần khu vực ga tàu, đi chừng vài chục bước là tới. Thế nên nhiều lúc chỉ cần ngồi nhà canh tàu qua app, biết còn 3 hay 5, 10 phút nữa… chuyến tàu của mình sẽ đến, khi đó mới chạy ra ga.

Gặp Gỡ Australia - Phần 1: Phải Lòng Sydney

Để ý quan sát thêm, sẽ nhận thấy một ưu điểm nữa của hệ thống tàu điện Sydney là các đường tàu đều chỉ chạy song song với đường bộ, hoặc nếu có cắt ngang thì cũng được xử lý bằng cầu vượt hay các đoạn ngầm dưới đất. Tất cả các công trình xây dựng dường như đều bám theo quy hoạch của các tuyến đường tàu. Điều này cũng có ý nghĩa khuyến khích người dân sử dụng tàu nhiều hơn bởi sự thuận tiện cho việc đi lại. Có ga tàu nằm ngay trong trường đại học. Lại có những ga nằm ở trung tâm thương mại. Như tại Olympic Park, người ta cũng xây dựng hẳn một nhà ga riêng rất hoành tráng. Bữa đến thăm Olympic Park, lúc về chúng tôi thử đón tàu ở ga này. Để ý thấy dù trên sân ga lúc đó chỉ có chừng chục người, nhưng tàu vẫn đến và dời ga rất đúng giờ.

Gặp Gỡ Australia - Phần 1: Phải Lòng Sydney

Thêm một lý do nữa để thú vị với tàu điện Sydney, đó là thiết kế đa dạng và giàu tính thẩm mỹ của các ga tàu. Dù lớn hay nhỏ, mỗi ga đều mang một dáng vẻ khác nhau. Có ga như St.James phảng phất bóng dáng kiến trúc của các nhà ga ở châu Âu vào thế kỷ 19. Có ga như Central, trông hoành tráng và cổ kính, rất giống nhà ga trong bộ phim Harry Potter. Có ga Museum thì được thiết kế như một bảo tàng lâu đời. Nhiều ga nhỏ ở một số khu vực ngoại thành lại gợi nhớ đến hình ảnh những ga xép lặng buồn trong các chuyến tàu xa xưa của ký ức… Nếu có thời gian, chỉ cần ngồi trên tàu ngắm các sân ga ở đây, bạn cũng đủ để trải nghiệm những cảm xúc thật khó quên!
Con trai nạp cho mỗi người một cái thẻ Opal trị giá 40 AUD rồi dẫn bố mẹ đi tàu một lần để hướng dẫn cách sử dụng thẻ và biết cách tìm các platform (trạm). Chỉ cần biết điểm đến ở đâu rồi tìm thông tin về các platform tại ga là sẽ biết phải tới trạm nào để bắt chuyến tàu của mình. Phấn khởi vì cảm thấy “very easy” hơn cả hồi sử dụng metro ở Paris, thế là hai ông bà già tự tin tung tăng đi khắp nơi: Từ bãi biển Bondi đến Liverpool để thăm bạn bè, rồi từ chợ Việt ở Cabramatta đến Bankstown để ăn phở An nổi tiếng… Và tất nhiên là không quên “lượn” khắp CBD để trải nghiệm tại các khu ẩm thực hoặc shopping 😀. Đi lên đi xuống, dọc ngang khắp nơi bằng tàu trong suốt hơn chục ngày, thế mà khi tạm biệt Sydney, mỗi người vẫn còn dư khoảng 20 AUD trong thẻ Opal 😁. Nếu sử dụng taxi với mức độ đi lại như vậy trong 10 ngày, chắc chắn chi phí sẽ không dưới con số ngàn đô la!
Rẻ, nhanh, thuận tiện, an toàn và sạch sẽ: Đó là những lý do hoàn toàn thuyết phục để tàu điện trở thành loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến và được ưa thích nhất tại Sydney. Vì thế, cũng dễ hiểu tại sao Transport for NSW đã dự báo trong hai năm 2016-2017, số hành khách sử dụng Sydney trains có thể đạt tới con số 324,7 triệu người.

Nguồn: Oanh Nguyen Thi