[Bút ký] Ngọt thanh món canh quê nhà
Rau tập tàng, dù nấu với tôm, với thịt, với nấm, hay chỉ với những gia vị có sẵn trong nhà, thì món canh này cũng luôn ngọt ngào đến lạ, bởi người nấu lúc nào cũng không quên cho hết cả “gia vị yêu thương” vào đó.
Có một món ăn dân dã đã đi qua cái “bao tử” của mình bao nhiêu lần rồi cũng không hề thấy ngán, mà mỗi lẫn nhắc đến, vị giác của mình bỗng nổi cơn thèm thuồng đến lạ. Không hề khó để có được món canh “mát lòng ngày hạ, ấm dạ ngày đông” này. Nhưng để thật sự có một bát canh ngon đưa cơm, chỉ cần có rau sạch, tôm tươi và chút khéo léo của người nội trợ (rứa là dễ, hay khó đây trời?)
Xem thêm: Chốn Ma Mị Bên Đồi Mộng Mơ
Với cái tên nghe quê mùa – canh rau tập tàng, hay canh rau lộn xộn, nhưng nó không hề “tàn” hay “lộn” gì cả nhé, mà đó là cả một nghệ thuật kết hợp tinh tế giữa vị ngọt của tôm, vị tươi non của các loại rau: rau khoai, rau ngót, rau dền, mồng tơi, vị chua của rau sam, vị đắng nhẹ của các loại lá: lá lốt, mã đề, vị cay nồng của các loại thảo mộc như ngò tây,v.v, và nguyên cả cái vị quê mùa chân chất được cho cả vào đó. Có lẽ ngày xưa, mỗi gia đình đều có một mảnh sân, mảnh vườn nhỏ đủ để trồng một số loại rau và thảo mộc. Nhưng vì mỗi thứ đều có một ít và nếu nấu riêng từng loại thì không đủ, thế là các mẹ, các chị khéo léo lựa chọn những lá khoai mơn mởn, những đọt dền đỏ tươi, những chiếc lá lốt tươi non rồi trộn lẫn vào nhau để từ đó món canh danh bất hư truyền này đã ra đời.
Hẳn nhiên nếu nhà nghèo, chợ xa, người ta chỉ nấu rau tập tàng với ít dầu mỡ và gia vị có sẵn như ruốc, muối, bột ngọt. Những nhà khá giả hơn, hoặc chợ đò thuận tiện thì món canh tập tàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn với ít tôm tươi.
Đi chợ mua tôm, nhớ phải chọn loại tôm tự nhiên mà người ta hay gọi là tôm rào, tôm sáo (không phải loại tôm nuôi ở các hồ nhân tạo, hoặc nuôi trên cát). Tôm rào, tôm sáo cũng có nhiều loại, nên chọn mua tôm gân, loại vừa hoặc nhỏ. Loại tôm này rẻ, nhưng vị lại ngọt hơn. Tôm mua về, rửa sạch, bóc đầu bỏ đuôi và um (riêu) lên với ít dầu, nước mắm, hành, ớt), cho nước dùng và gia vị vừa đủ, nước sôi, cho rau vào. Khi nấu nhớ vặn lửa vừa khéo để món canh nấu xong có màu nước trong veo, rau mềm. Mùi thơm của các loại rau hòa quyện vào nhau, theo hơi nóng bay lên, bay xa, mang mùi đặc trưng của nó vang khắp làng, khắp xóm.
Hôm nay ăn chay, chợt thèm canh rau tập tàng với nấm rơm tươi. Rứa là đi chợ sớm, mua rau, mua nấm, về nấu một nồi canh, xì xà xì xụp húp một cái “hụp”, thiệt là mát cái miệng…
Xem thêm: Đi Tìm Dấu Chân Phật – Nigrodharama, Kapilavastu, Lumbini