Phần 2: CẢM NHẬN VỀ “NHỮNG GIÁ TRỊ ÚC”

Theo các tư liệu cổ, tên gọi “Australia” bắt nguồn từ chữ “australic” trong tiếng Latin, có nghĩa là “phương Nam”. Từ thế kỷ 17 – 18, từ “Australia” đã được nhắc đến trong các ấn phẩm ghi chép về vùng đất mới được khám phá ở vùng Nam Thái Bình Dương. Trái với sự lầm tưởng của nhiều người, nhà hàng hải người Hà Lan Willem Janszoon mới được xem là người châu Âu đầu tiên nhìn thấy và đổ bộ lên đại lục Úc chứ không phải thuyền trưởng James Cook. Sau đó, vào năm 1770, James Cook mới vẽ lại bản đồ bờ biển phía Đông, định danh cho nó là New South Wales và đồng thời tuyên bố chủ quyền cho Anh quốc.

Có lẽ cũng ít người để ý tên gọi chính thức của nước Úc là Thịnh vượng chung Úc (Commonwealth of Australia). Giống như nhiều quốc gia khác có lịch sử liên quan đến các cuộc di dân và thôn tính của người Anh rồi sau đó giành độc lập từ Anh, lịch sử và tên gọi của nước Úc cũng gắn liền với sự đổ bộ của người Anh lên vùng đất này. Điều đó lý giải ảnh hưởng sâu đậm về ngôn ngữ và chính trị của đế chế Anh ở đây. Tương tự như Canada, dù chính phủ Úc được tổ chức theo thiết chế Đại nghị liên bang nhưng thể chế chung vẫn là Quân chủ lập hiến với nguyên tắc tôn vinh Nữ hoàng Anh và đại diện là ngài Toàn quyền.

Gặp Gỡ Australia - Phần 2: Cảm Nhận Về Giá Trị Úc

Úc là quốc gia có diện tích lớn thứ 6 trên thế giới với 7.692.000 km2 (tính tròn). Thế nhưng, dân số Úc tính đến 2016 mới chỉ vào khoảng trên 24 triệu người. Úc cũng một quốc gia có lịch sử lập quốc trẻ: Ngày 1/1/1901, sáu thuộc địa liên hiệp bỏ phiếu công bố thành lập Thịnh vượng chung Úc và sau đó nước này mới trở thành quốc gia tự trị thuộc Anh vào năm 1907. Tuy nhiên, ngày nay Úc đang nằm trong số các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới với GDP đầu người 50,322 USD (2016), đứng thứ 5 thế giới (danh nghĩa) và chỉ số phát triển con người nằm trong top 10 toàn cầu. Nền kinh tế Úc xếp thứ 12 trong các nền kinh tế mạnh và xếp hạng thuận lợi kinh doanh cũng đứng hàng 13 thế giới.

Tuy là một quốc gia rộng lớn và phát triển với tốc độ nhanh, nhưng về cấu trúc quản lý hành chính theo địa lý, Úc chỉ có 6 tiểu bang và 3 vùng lãnh thổ nội địa. Ngoài ra còn có thêm 7 lãnh thổ hải ngoại thuộc Úc. Cũng tương tự như Canada là đất nước rộng lớn thứ hai trên thế giới với diện tích gần 10 triệu km2, nhưng chỉ có 10 tỉnh bang và 3 vùng lãnh thổ. Các đơn vị hành chính của họ cũng thường giữ ổn định từ thời kỳ lập quốc. Trong khi đó, VN có diện tích 331.699 km2 (theo cập nhật mới nhất), sau rất nhiều lần thực hiện chia tách – sát nhập, đến nay vẫn có tới 63 tỉnh, thành (trong đó gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương hạng đặc biệt và hạng 1). So ra với các quốc gia như Úc và Canada, bộ máy quản lý hành chính của VN vô cùng nặng nề và tốn kém vì mỗi tỉnh lại luôn phải có hai bộ máy của Đảng và chính quyền. Chưa kể bên cạnh đó còn một loạt tổ chức, hội đoàn các cấp khác từ TW đến địa phương như: UBMTTQ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân tập thể, Liên minh các HTX… ☹️☹️☹️

Gặp Gỡ Australia - Phần 2: Cảm Nhận Về Giá Trị Úc

“ĐẤT HỨA” CỦA NGƯỜI VIỆT

Cộng đồng người Việt ở Úc đang gia tăng nhanh chóng, bất chấp những quy định và các tiêu chuẩn nhập cư ngày một khó khăn hơn của Chính phủ Úc. Ngoài những người Việt đến Úc định cư từ làn sóng “thuyền nhân” ở miền Nam VN sau năm 1975 và thân nhân của họ đi theo diện bảo lãnh, những năm gần đây, các chương trình định cư dạng đầu tư, làm việc hoặc mua trái phiếu chính phủ Úc đã thu hút rất nhiều doanh nhân và nguồn nhân lực lao động tay nghề cao của VN đến xứ sở này. Bên cạnh đó, còn một lực lượng du học sinh đông đảo đến Úc học tập và sau đó cũng tìm đường ở lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Không ngạc nhiên khi đọc tin trên báo chính thống của VN, thấy nói có tới 16/17 học sinh đoạt giải Nhất chung cuộc cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” với các suất học bổng ĐH toàn phần tại Úc đã không trở về nước sau khi học xong! “Đất lành chim đậu”. Không thể trách các em cũng như những người đã và đang bỏ nước ra đi khi mà quê hương đến giờ vẫn chưa trở thành vùng “đất lành” để những người con Việt khắp mọi nơi có thể yên tâm quay về và đậu lại 😞.

Theo số liệu chưa đầy đủ, cộng đồng người Việt ở Úc hiện nay có khoảng trên 300.000 người, sống tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Sydney và Melbourne. Tại Sydney, chúng tôi có dịp gặp lại nhiều bạn bè và người quen sống ở Úc đã lâu hoặc mới sang, thuộc đủ mọi thành phần khác nhau. Có người thuộc tầng lớp trí thức, doanh nhân thành đạt. Có người là công chức nhà nước. Có người là lao động phổ thông hành nghề tự do. Có người đang thất nghiệp, ngồi nhà chờ việc và hưởng trợ cấp…. Những câu chuyện về đời sống, gia đình và sự trưởng thành của con cái họ mang đến cho tôi hình dung ban đầu về “những giá trị Úc”. Đó là một nền giáo dục phổ cập miễn phí với chất lượng cao cho toàn dân. Đó là một chính sách chăm sóc sức khỏe ưu việt mà ngay cả khi người dân không có khả năng mua bảo hiểm y tế cũng vẫn được Chính phủ chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Đó là một môi trường sống trong lành, sạch sẽ và an toàn ở mọi nơi. Đó là chất lượng sống tuyệt vời với những phúc lợi xã hội cùng hệ thống dịch vụ công thật tốt cho dân hưởng thụ… Dễ hiểu vì sao Úc thường xuyên nằm trong danh sách các quốc gia đáng sống nhất thế giới và do vậy, cũng là một điểm đến hấp dẫn với người Việt.

Gặp Gỡ Australia - Phần 2: Cảm Nhận Về Giá Trị Úc

Chúng tôi đến thăm Cabramatta và Bankstown – hai khu vực ngoại ô của Sydney tập trung đông người Việt sinh sống từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Tới đây, đi đâu cũng nghe tiếng Việt thân quen như ở nhà. Chợ Việt bán đủ thứ và có nhiều quầy làm dịch vụ chuyển hàng về VN. Tại Bankstown, anh Khanh (người bạn đồng môn của chồng đã đề cập trong phần 1) đưa chúng tôi đi bộ tham quan một vòng “downtown” và sau đó mời dừng chân thưởng thức phở An nổi tiếng. Đứng trước mô hình trống đồng Việt cổ và tượng “thuyền nhân VN” ngay trên đường phố Bankstown, cảm xúc vui, buồn lẫn lộn thật khó tả! Có lẽ hiếm thấy nơi đâu lại nhắc nhở đến hình ảnh “thuyền nhân VN” nhiều như ở Úc. Từ chiếc thuyền có ký hiệu “VN, KG, 1062A, ĐC” của một trong những nhóm “thuyền nhân” đầu tiên trôi dạt đến Úc vào năm 1977, hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng Hàng hải quốc gia, đến cả một góc trưng bày về “thuyền nhân VN” trong Bảo tàng chiến tranh ở Canberra. Cùng với tượng “thuyền nhân” này tại Bankstown, những hình ảnh và hiện vật ấy cứ ám ảnh tôi với bao câu hỏi quay quắt về sự phi lý của một cuộc chiến tranh, về những nỗi đau chia ly, mất mát và sự thù hận không thể hàn gắn của cả dân tộc. Mấy ngày gần đây, đọc những ý kiến tranh cãi về bộ phim “The Vietnam War” trên mạng, càng cảm thấy bốn chữ “hoà hợp, hoà giải” thật xa xôi, vô vọng 😞…

Trở lại với câu chuyện người Việt ở Úc. Đến đây và chứng kiến những gì dân họ đang được hưởng thụ, mới hiểu vì sao Úc vẫn là miền đất hứa lý tưởng với người Việt khi chỉ cần từ 4 đến 8 giờ bay là đã có thể đặt chân đến xứ sở tươi đẹp này. 42 năm trôi qua, nhưng ngày nay vẫn có một luồng “thuyền nhân” dạng khác tiếp tục âm thầm rời bỏ đất nước để đi tìm một cuộc sống an toàn và hạnh phúc hơn nơi xứ người…

Gặp Gỡ Australia - Phần 2: Cảm Nhận Về Giá Trị Úc

NHỮNG LỜI XIN LỖI

Ghé thăm thủ đô Canberra với ý định tham quan lễ hội hoa Tulip, nhưng bạn bè bảo hơi sớm vì khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 ở đây mới là mùa Tulip và Anh đào nở rộ. Cuối cùng, ấn tượng nhất lại là những gì thấy được ở Tòa nhà Quốc hội và Bảo tàng chiến tranh.

Tòa nhà Quốc hội mới của Úc có kiến trúc hiện đại và thế phong thủy “dựa núi nhìn sông” rất đẹp. Bên trong, nội thất thiết kế đơn giản nhưng trang trọng. Ở Thượng viện (Senate Chamber) có những tấm bảng giải thích về vai trò, vị trí và công việc của các Thượng nghị sĩ theo kiểu “5W – 1H”. Đáng chú ý là lời khẳng định mạnh mẽ ngay trên tấm bảng đầu tiên: “THE SENATE, TOGETHER WITH THE HOUSE OF REPRESENTATIVES, MAKES LAWS FOR THE ASTRALIAN PEOPLE” (THƯỢNG VIỆN, CÙNG VỚI HẠ VIỆN, LÀM LUẬT CHO NHÂN DÂN ÚC).

Gặp Gỡ Australia - Phần 2: Cảm Nhận Về Giá Trị Úc

Thượng viện Úc có 76 ghế được chia theo nguyên tắc 6 tiểu bang, mỗi nơi chiếm 12 ghế và 2 lãnh thổ nội địa (Lãnh thổ thủ đô và Lãnh thổ phía Bắc), mỗi nơi 2 ghế. Hạ viện có 150 ghế được chia theo tỷ lệ số phiếu bầu của đảng cầm quyền và các đảng đối lập tại 6 tiểu bang và các vùng lãnh thổ, trong đó chiếm nhiều ghế nhất là hai đảng Lao động và Tự do. Cách bố trí ghế ngồi trong các phòng họp của Thượng viện và Hạ viện cũng tuân thủ theo mô hình phòng họp quốc hội của các quốc gia theo chế độ dân chủ đại nghị, tự do và đa đảng.

Điều gây cho tôi nhiều cảm xúc nhất là những lời xin lỗi của Nhà nước Úc đối với nhân dân họ được trưng bày công khai tại đây. Đó là lời xin lỗi từ Thủ tướng Kevin Rudd vào ngày 16/11/2009 gửi tới 500.000 người Úc bị lãng quên tại các nhà nuôi trẻ và trại trẻ mồ côi cho đến cuối năm 1989, cùng với khoảng 7.000 cựu trẻ em nhập cư đến Úc thông qua các chương trình di dân lịch sử tới năm 1970 (National Apology to the Forgotten Australians and Former Child Migrants). Là lời xin lỗi của Thủ tướng Julia Gillard vào ngày 21/3/2013 trước hàng ngàn bà mẹ độc thân – những người bị chính sách của chính phủ buộc phải từ bỏ con của họ để cho người khác nhận làm con nuôi trong suốt nhiều thập niên, từ những năm 40 đến những năm 80 của thế kỷ trước (National Apology for Forced Adoptions).

Gặp Gỡ Australia - Phần 2: Cảm Nhận Về Giá Trị Úc

Trước đó, Thủ tướng Kevin Rudd cũng đã gửi lời xin lỗi đến những người Úc bản địa (Apology to Australia’s Indigenous Peoples), vì sự ngược đãi của các đời chính phủ Úc đối với họ đã tạo ra “những thế hệ bị đánh cắp” (Stolen Generations) trong suốt thế kỷ 20. Thật ra, từ năm 1998, Úc đã lấy ngày 26/5 là Ngày Xin lỗi quốc gia (National Sorry Day), như là một dịp để nhắc nhở về những chính sách sai lầm trong quá khứ của Nhà nước Úc với thổ dân, từng được mô tả rằng: “Trẻ em thổ dân bị ép tách ra riêng từ gia đình của họ để cưỡng bức họ trở thành những người Úc da trắng” (John Torpey). Tuy nhiên, mãi cho đến ngày 13/2/2008, Thủ tướng Kevin Rudd thay mặt Chính phủ Úc mới chính thức đọc lời xin lỗi “Stolen Generations” tại Toà nhà Quốc hội…

Tôi dừng lại thật lâu trước những lời xin lỗi để đọc đi đọc lại từng hàng chữ, và để hiểu ra vì sao đất nước này đã lớn mạnh nhanh như vậy! Chỉ khi những người cầm quyền biết tôn trọng nhân dân, tôn trọng lẽ phải và thực sự cầu thị thì mới có thể nói được những lời xin lỗi như thế. Một quốc gia được điều hành bởi những con người dám nhận lỗi khi mình phạm lỗi và không bao giờ cao ngạo với nhân dân, quốc gia ấy nhất định phải là một đất nước phát triển tiến bộ!

Trong Bảo tàng chiến tranh ở Canberra, chúng tôi tình cờ được chứng kiến nghi lễ tưởng niệm và tôn vinh các liệt sĩ vào trước lúc đóng cửa Bảo tàng. Các nghi thức diễn ra thật trang trọng và xúc động với việc cử hành Quốc ca, đặt vòng hoa tưởng niệm và đọc tiểu sử liệt sĩ. Nghe nói nghi lễ này diễn ra hàng ngày vào lúc đóng và mở cửa Bảo tàng. Tên và tiểu sử của mỗi liệt sĩ ngã xuống trong các cuộc chiến được lưu danh tại Bảo tàng sẽ lần lượt được đọc lên trong các buổi lễ. Xem cách họ trân trọng xương máu của những người đã ngã xuống cho đất nước cũng thật nhân văn và sâu sắc! Tôi đứng lặng trước một dãy dài những xấp khăn màu trắng phủ những bông hoa Poppy đỏ như máu ở trên. Mỗi tấm khăn là tên một chiến sĩ trong quân đội Úc đã hy sinh ở chiến trường Afghanistan.

Gặp Gỡ Australia - Phần 2: Cảm Nhận Về Giá Trị Úc

Ở Nhà thờ lớn St.Mary tại Sydney có một bức tượng diễn tả cái chết của một binh sĩ trong bộ quân phục với súng đạn đầy mình. Xung quanh chân tượng khắc những dòng chữ với nội dung (tạm dịch nghĩa tiếng Việt): “Cho tất cả những người Úc đã chết trong chiến tranh” và “Tên của họ sống mãi với mọi thế hệ”. Tôi nhìn bó hoa tươi nhỏ bé ai đó vừa đặt xuống dưới chân người lính mà thầm ước một bức tượng nhân văn như thế ở nước mình. Một bức tượng để tưởng nhớ mọi người dân cũng như binh sĩ ở cả hai miền đã nằm xuống lòng đất mẹ trong cuộc chiến tương tàn 20 năm giữa những người anh em, và để nhắc nhở các thế hệ sau nỗi đau về một cuộc chiến tranh chia cắt dân tộc dai dẳng nhất trong lịch sử…

Người Úc lý giải nguyên nhân chọn con kangaroo và con đà điểu làm linh vật biểu trưng cho nước Úc trên quốc huy của họ là bởi vì kangaroo chỉ luôn đi tới chứ không biết đi giật lùi, còn đà điểu là giống chim chạy bộ nhanh nhất, với tốc độ có thể lên tới 65km/giờ 🙂. Dù chưa thăm được hết đất nước này, nhất là còn lỗi hẹn với cố đô Melbourne nổi tiếng xinh đẹp, nhưng tôi cũng tin rằng nước Úc sẽ chỉ luôn đi tới! Bởi họ thật sự là một quốc gia vĩ đại, không chỉ về diện tích cơ học của đất đai mà còn về những giá trị dân chủ, tự do và nhân quyền mang lại cho người dân của mình.

Vài người bạn ở Úc thắc mắc hỏi chúng tôi sao không nghĩ đến việc làm giáo dục với Úc? Why not/Tại sao không? Tôi tin thể chế thế nào giáo dục ra thế nấy. Một quốc gia có thể chế tiến bộ như Úc sẽ không thể nào mang lại một nền giáo dục tồi. Mong sẽ có dịp đề cập sau về giáo dục Úc, khi tôi có thể tham gia một tour riêng về chủ đề này trong tương lai gần.

Tạm biệt Australia, xứ sở luôn đi nhanh và không bao giờ biết tụt hậu.

Xem lại Phần 1: Phải Lòng Sydney