Sơn Đoòng…mãi còn một giấc mơ
Dạo này mình hay bồi hồi ngồi nhớ hang, rồi lục lại bài viết này – vốn năm ngoái viết theo “đơn đặt hàng” của một tờ báo, nhưng rồi không thấy họ đăng (chắc do viết ẹ quá). Cũng đúng dịp gần 1 năm đặt chân vào Sơn Đoòng, bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Thôi thì viết hay viết dở cũng là bài của mình, mình viết cho mình, cho những năm tháng sau này khi đôi chân không còn vững, có thể phải chống gậy, hay ngồi xe lăn. Lúc đó tha hồ mà tự hào năm xưa đôi chân này đã từng chinh phục cái hang lớn nhất thế giới…Và tôi cũng viết cho những anh chị em “chiến hữu” cùng chinh phục Sơn Đoòng trong chuyến đi đáng nhớ đó, và cho cả những người bạn luôn nhiệt tình dõi theo bước chân của mình trên…“phây”.
Mơ và Thực
Tôi biết đến Hang Sơn Đoòng cũng đã vài năm trước nhưng không dám nghĩ sẽ có một ngày mình lại có cơ hội bước chân vào đây. Chinh phục được nó là giấc mơ của biết bao người, trong đó có tôi. Dù xa vời, tôi vẫn mơ. Và giấc mơ ấy trong tôi đã thành sự thật từ một năm trước.
Tôi may mắn được tham gia chuyến thám hiểm hang Sơn Đoòng vào đầu tháng 3 năm 2016. Đó là một tour đặc biệt bởi là tour đầu tiên chỉ toàn khách Việt Nam. 10 người chúng tôi đến từ ba miền Bắc Trung Nam. Trước đó vài tháng, sau một loạt những email qua lại, rồi một bảng câu hỏi rất dài và chi tiết về tình trạng sức khỏe, tôi được chấp nhận tham gia chuyến thám hiểm. Nghĩ cũng lạ, cái tour gì mà khách hàng đã đăng ký rồi cũng chưa chắc được đi, còn hồi hộp, rất sợ bị từ chối, nếu không chứng minh được mình có đủ sức khỏe để tham gia.
Khởi Động – Hồi Hộp
Chúng tôi từ khắp nơi đổ về Đồng Hới và được em Bình (Thai Binh) – hướng dẫn viên chuyến thám hiểm – đón và đưa về khách sạn Sài Gòn Phong Nha nhận phòng nghỉ ngơi. Phong Nha chào đón chúng tôi với tiết trời xuân mát mẻ dễ chịu, trời xanh, mây trắng, nắng và gió nhẹ. Thiên nhiên ở đây đẹp và thanh bình, những dãy núi đá vôi nhấp nhô uốn lượn soi bóng xuống dòng sông Son hiền hòa. Chúng tôi đi thuyền, đạp xe, tản bộ để thưởng thức không khí trong lành của một buổi chiều yên ả – một không gian mà bạn khó có được ở những nơi phố thị phồn hoa. Đến 7h tối chúng tôi có buổi họp đoàn để chuyên gia hang động đến từ Anh Quốc, anh Adam D. Spillane và Bình giới thiệu về những chặng đường mà chúng tôi phải trải qua trong những ngày sắp tới, cũng như những yêu cầu mà chúng tôi phải tuân theo suốt cuộc hành trình. Chúng tôi chăm chú lắng nghe, và thú thật là lúc bấy giờ cảm xúc lẫn lộn. Chúng tôi hơi lo vì không biết mình có vượt qua được hơn 50km đường rừng với những dốc cao và đá tai mèo sắc lẹm như lời cảnh báo. Dù đã chuẩn bị tinh thần và thể lực cả mấy tháng trước đó để chinh phục Sơn Đoòng, tôi vẫn có chút lo lắng bồn chồn. Nhưng rồi, được Bình cho xem những tuyệt tác thiên nhiên trời ban cho Sơn Đoòng, chúng tôi lại háo hức vì không thể chờ đợi để được tận mắt chứng kiến những cảnh đẹp kỳ vỹ bên trong hang động lớn nhất thế giới này.
Lên Đường – Háo Hức
Sáng hôm sau chúng tôi khởi hành. 7h30 chúng tôi lên xe trung chuyển để đến điểm tập kết và bắt đầu đi bộ xuống một con dốc dài. Tiếp tục lội qua vài con suối, chúng tôi đến với Bản Đoòng – bản dân tộc thiểu số người Bru Vân Kiều sống tách biệt trong rừng sâu (cái tên Hang Sơn Đoòng cũng được đặt tên dựa theo bản này). Chúng tôi dừng chân ở ngôi nhà của Bác Trưởng bản, nghỉ ngơi, nói chuyện với những người trong gia đình để tìm hiểu thêm về cuộc sống của họ. Ngồi trong nhà, chúng tôi nghe thoang thoảng tiếng giảng bài. Thì ra phía sau nhà của Trưởng bản là một điểm trường nhỏ, rất đơn sơ, có 2 lớp học, 1 lớp 2 và 1 lớp 6, mỗi lớp có 4 em học sinh. Các Thầy giáo lặn lội từ Phong Nha mang con chữ lên đây với các em Bản Đoòng. Nghỉ ngơi ít phút chúng tôi lại tiếp tục lên đường, dọc theo con suối Rào Thương và đi bộ khoảng 2 tiếng để đến Hang Én.
Chui Hang – Hăng Hái
Chúng tôi đến Hang Én, là hang lớn thứ 3 trên thế giới, sau Hang Sơn Đoòng (Việt Nam), và Hang Deer (Malaysia). Dừng trước cửa hang, chúng tôi được trang bị thêm đèn đội đầu để tiến sâu vào hang vì bên trong rất tối. Chúng tôi vượt lên một dốc đá nhỏ, và kìa một thiên đường như hiện ra trước mắt. Đó là một bãi cát khá đẹp và cũng là điểm cắm trại đẹp nhất của hành trình, được bao quanh bởi con suối nước xanh trong như ngọc. Đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống, chúng tôi ngỡ như mình sắp bước vào cõi tiên. Chúng tôi xuống đến bãi cát, nghỉ ngơi ăn trưa lấy lại sức.
Sau bữa trưa, anh Adam giục chúng tôi đi tiếp. Chúng tôi đi xuyên Hang Én dài 1,6km, rồi tiếp tục đi thêm 5km nữa để đến với cửa hang Sơn Đoòng. Không ai ngờ rằng bên dưới cái miệng hang bé thế kia lại là cả một cái hang kỳ vỹ có chiều dài gần 9km, rộng 150 mét, và cao hơn 200 mét, với 2 hố sụt khổng lồ, hố sụt thứ hai có thể chứa cả 2 chiếc boeing 747, rồi còn có cả bức tường khổng lồ cao gần 80m được đặt tên là “Bức tường Việt Nam”.
Chúng tôi được mang đai an toàn và bắt đầu leo xuống những vách đá dựng đứng với tổng chiều dài khoảng 80m để xuống được với Hang Sơn Đoòng. Những người yếu tim có thể không qua khỏi cái mốc này, vì bạn không hình dung được bạn sẽ rơi vào góc nào nếu sẩy chân và tay yếu không nắm vững dây. Anh Adam đã trấn an trước đó là nếu ai đó gặp sự cố, anh sẽ dùng sợi dây thừng mắc sẵn vào dây an toàn đeo ở thắt lưng và hai vế chân của chúng tôi để đảm bảo không có chuyện gì nguy hiểm xảy ra – ấy thế mà chúng tôi cũng vẫn rất lo. Đoạn thử thách ở cửa hang này mất khá nhiều thời gian vì phải đợi người thứ nhất xuống được an toàn thì người thứ hai mới bắt đầu trèo xuống.
Sau đó chúng tôi lại tiếp tục vượt qua những vách đá, rồi cả hai con sông ngầm trong hang để đến điểm cắm trại thứ nhất trong hang. Chúng tôi đi hơi vội vàng, không có nhiều thời gian để dừng lâu ngắm những thạch nhũ, măng đá kỳ vỹ trong hang. Mắt chúng tôi lúc nào phải cũng nhìn chằm chằm vào từng bước chân của mình vì nếu không, một bước sa chân chúng tôi sẽ có thể nằm lại mãi với Sơn Đoòng!
Cuối cùng chúng tôi cũng đến được điểm cắm trại đầu tiên trong hang lúc 6:00 tối, chúng tôi chỉ còn kịp nhìn thấy ánh sáng yếu ớt cuối ngày từ hố sụt thứ nhất rọi vào. Chặng ngày đầu tiên đã hoàn thành, vượt gần 20 km với nhiều loại địa hình, chúng tôi vẫn chưa thấy mệt, vẫn còn sung sức lắm. Sau giờ cơm tối, chúng tôi quây quần bên bếp lửa trại, kể chuyện cười, nhâm nhi khô mực, khô bò bên ly rượu chuối hột (hạt) mãi đến 10h đêm mới đi ngủ. Đêm đầu tiên trong hang – tôi thao thức nghĩ lại chặng đường gian nan đã qua và nghĩ về hành trình ngày mai – có lẽ một vài người cũng như tôi, nhưng thỉnh thoảng thức giấc tôi lại nghe có tiếng ngáy khò từ lều bên cạnh…
Ngày thứ hai trong hang hứa hẹn là một ngày thú vị nhất trong chuyến hành trình. Chúng tôi đi qua 1 khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây, có cây cao đến 20-30m, nghe đâu trước đây còn có cây cao 80m nhưng đã bị bão đánh ngã. Rừng trong hang là điều bạn không thể tìm thấy ở đâu khác ngoài Sơn Đoòng. Vượt qua khu rừng độc nhất vô nhị này chúng tôi đến khu vực chính diện của hố sụt thứ nhất – nơi có hai cột măng đá khổng lồ. Ở đó chúng tôi tha hồ tạo dáng chụp ảnh đủ các kiểu. Trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đó, ai cũng trèo lên cột măng đá sừng sững ấy chụp 1 kiểu ảnh lưu giữ kỷ niệm chuyến đi để đời cho mình.
Rồi chúng tôi lại đi tiếp, lại được chứng kiến những khối đá, những vỉa calcium xanh rêu, từng đợt nắng chiếu xuống hố sụt thứ nhất tạo thành những tia sáng thật vô cùng ấn tượng. Vượt qua thêm vài khối đá, thạch nhũ lấp lánh nhiều màu sắc chúng tôi lại đến hố sụt thứ hai cũng là điểm cắm trại thứ 2 trong hang. Nghỉ ngơi ít phút tại đây, chúng tôi lại được hướng dẫn tiến sâu vào điểm cuối cùng của hang – Bức tường Việt Nam. Trên đường chúng tôi nhìn thấy cả một “thảm ngọc” với hàng triệu viên “ngọc động” – thực ra là những viên đá tròn trịa đều nhau được hình thành do nước mang calcium từ trần hang rơi xuống. Nếu không được chuyên gia và hướng dẫn viên dặn dò từ trước, chắc có lẽ mỗi chúng tôi sẽ “bỏ túi” vài viên mang về làm kỷ niệm. Chúng tôi chỉ nhìn, ngắm, chụp ảnh rồi luyến tiếc rời khỏi “thảm ngọc” để bước tiếp vào Bức tường Việt Nam.
Chúng tôi phải đi bằng thuyền kayak vì dòng sông ngầm trong hang vào mùa này nước khá sâu. Đi thuyền trong động cũng là một cảm giác thú vị không kém. Chúng tôi cứ hai người một thuyền chèo đến Bức tường Việt Nam. Trong bóng tối hiện lên một tảng nhũ đá cao sừng sững (khoảng 80m). Hướng dẫn viên bảo chúng tôi tắt hết đèn tầm 5 phút, chúng tôi làm theo và quả thật chúng tôi thấy được một vệt ánh sáng yếu ớt hắt vào từ bên ngoài. Đó là lối thứ hai vào hang Sơn Đoòng, nhưng rất ít người được đi bằng lối này vì phải đu dây xuống một khối đá thẳng đứng không điểm tựa – rất nguy hiểm. Sau khi chiêm ngưỡng Bức tường Việt Nam, chúng tôi quay về trại ăn tối, đốt lửa trại và ca hát suốt cả đêm – những bài ca đi cùng năm tháng, những bài hát ca ngợi các vùng miền của tổ quốc đều được cất lên vang vang trong không gian tĩnh lặng của màn đêm yên tịch. Xa xa trong những túp lều của những anh khuân vác là những ánh đèn pin đang chiếu vào những lá bài poker, tiếng ca hát, tiếng nói chuyện rôm rả hòa quyện tạo thành một bản giao hưởng đêm khuya giữa núi rừng. Thỉnh thoảng tiếng anh bếp trưởng cất lên “Lên xe đi anh em ơi!…” để nhắc nhở toàn đội khuân vác vào việc…
Xem thêm: Mới nhất: Các Hostel, Homestay ở Đà Lạt cực so deep
Rời Hang – Hụt Hẫng
Ngày thứ ba trong hang, chúng tôi phải đi ngược lại chặng đường mà chúng tôi đã đi qua một ngày rưỡi trước đó để ra khỏi hang Sơn Đoòng và trở về Hang Én. Nói thật chân tay lúc này cũng đã rả rời nhưng chúng tôi vẫn còn quyết tâm cao để trở về với điểm cắm trại đẹp nhất là Hang Én. Thế là những bàn chân, dường như đã phần nào quen với địa hình, thoăn thoắt lướt trên những khối đá để đến cửa hang. Cảm giác luyến tiếc xuất hiện ngay khi chúng tôi vừa trèo ra khỏi hang, biết bao giờ mình lại được vào hang nhỉ? Con đường phía trước vẫn còn chông gai vì chúng tôi phải trở về Hang Én nghỉ qua đêm rồi sáng hôm sau phải leo một con dốc cao rồi mới trở về với nền văn mình của loài người. Nhưng giờ thì không còn gì khiến chúng tôi phải chùn bước nữa bởi chúng tôi tự hào mình đã chinh phục được Sơn Đoòng bằng chính con tim đầy nhiệt huyết, tinh thần thép và bàn chân không biết mỏi của mình.
Bước chân ra khỏi hang, chúng tôi thấy quá mãn nguyện với những gì mình vừa chứng kiến, nhưng lòng hơi gợn chút buồn vì phải rời xa chốn hoang sơ đầy mê hoặc ấy. Những kỷ niệm đoàn chúng tôi đã cùng trải qua trong hang bất chợt hiện ra, cái hố sụt này, cột măng đá kia, những mỏm đá tai mèo sắc nhọn như thách thức chúng tôi, những lần trượt té, vồ ếch, khoảng 40 lần lội suối, những bài học yoga với các tư thế khó cưỡng của cô gái gốc Hà Nội, có cả những bàn chân đã chảy máu, móng chân gần như bong ra… Nhưng chúng tôi đã vượt lên tất cả. Sự hỗ trợ nhiệt tình chu đáo của Adam, của các hướng dẫn viên và trợ lý (Bình, Hồ Trung Hiếu, Quảng Goodly…), của anh Hồ Khanh và nhóm khuân vác, cùng với tinh thần đồng đội và những tiếng cười, tiếng hát, tiếng vỗ tay động viên nhau đã hòa thành bản trường ca Sơn Đoòng mãi khắc ghi trong tâm hồn mỗi một thành viên trong đoàn thám hiểm chúng tôi.
Thực Rồi Lại Mơ
Và giờ đây tôi lại mơ! Mơ Sơn Đoòng được bảo tồn vẹn nguyên giá trị của nó để những người yêu mến khám phá thiên nhiên có thể được tiếp tục chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của hang động lớn nhất thế giới. Mơ một ngày không xa tôi lại được quay trở lại Sơn Đoòng vì tôi biết trong chuyến đầu tiên tôi vẫn chưa khám phá hết.
…và vì với tôi, đi một lần vẫn chưa thỏa cơn mơ!
(và thèm cái cảm giác mỗi tối trong hang đi tìm cái lều có gắn tên mình…)
Nguyễn Thị Mai Trang